Hỗ trợ doanh nghiệp

FTA - cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh

(DNVN) - Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định thương mại (FTA) không chỉ đơn thuần chỉ là mở cửa, hội nhập thị trường quốc tế, mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện thâm hụt thương mại và giúp doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác.


Ký FTA để cân bằng cán cân thương mại

Phát biểu tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề "Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh" do Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 8/10, ông Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết việc Việt Nam tăng cường ký kết các FTA không chỉ đơn thuần là mở cửa, hội nhập thị trường quốc tế thông thường, mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện thâm hụt thương mại.

Theo ông Khanh, nếu trước năm 2007, số lượng ký kết FTA chỉ có hai cái, thì sau 2007 số lượng ký kết FTA đã tăng gấp 5 lần. Nguyên nhân khiến số lượng ký kết FTA tăng mạnh mẻ là do nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết việc Việt Nam tăng cường ký kết các FTA không chỉ  đơn thuần là mở cửa, hội nhập thị trường quốc tế thông thường, mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện thâm hụt thương mại (Ảnh: ĐL)

Ngô Chung Khanh, cho rằng việc Việt Nam tăng cường ký kết các FTA giúp cải thiện thâm hụt thương mại (Ảnh: ĐL)

Việc nước ta gia nhập WTO không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế như tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài mà còn giúp nước ta có được "tấm vé" để tham gia vào FTA một cách chính thức.

Theo ông Khanh, khi Việt Nam ký kết nhiều FTA thì cán cân thương mại sẽ cải thiện và tránh tình trạng thâm hụt lớn tại các nước Đông Nam Á mà Việt Nam ký kết.

Ông Khanh phân tích, xu hướng giao dịch thương mại tự nhiên của các doanh nghiệp Việt Nam là thích làm ăn gần cho nên có đến 70 - 80% giao dịch tập trung ở khu vực Đông Nam Á.

Chính việc doanh nghiệp Việt Nam thích làm ăn với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á đã phát sinh nhiều bất lợi, đơn cử năm 2017, thâm hụt thương mại ở nước ta lên đến gần 70 tỉ USD.

 

Cụ thể, khi làm ăn với Hàn Quốc mậu dịch của Việt Nam thâm hụt 30 tỉ USD, với Trung Quốc 23 tỉ USD, Đài Loan thâm hụt trên 9 tỉ USD và với ASEAN thâm hụt gần 7 tỉ USD. "Nếu con số thâm hụt thương mại này cứ tiếp tục xảy ra từ năm này qua năm khác thì chúng ta không thể nào bù được", ông Khanh nói.

Det may

Dệt may tiếp tục là ngành hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đem lại (Ảnh: TL)

Trong khi đó, nếu chúng ta chịu khó đi "đánh bắt xa bờ" thì cán cân thương mai sẽ tăng lên theo chiều hướng tích cực. Chẳng hạn như trong năm 2017, thị trường Hoa Kỳ đã mang đến thặng dư cho Việt Nam 32,4 tỉ USD, với EU hơn 26 tỉ USD hay với khu vực EAEU cũng xấp xỉ 2 tỉ USD.

 

"Trong vài năm gần đây Việt Nam làm ăn với Nhật Bản, khu vực Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh thì cán cân tương đối cân bằng, thậm chí là thặng dư. Nếu năm nay mọi việc đều thành công thì Việt Nam sẽ có con số thặng dư thương mại tăng cao", ông Khanh phân tích.

Nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt

Theo ông Khanh, khi Việt Nam tham gia ký kết các FTA thì sẽ mạng nhiều lợi ích cho một số ngành có thế mạnh xuất khẩu.

Cụ thể, đối với ngành dệt may, nếu Việt Nam không tham gia ký kết FTA thì mặt hàng này khi xuất khẩu sẽ bị đánh thuế lên đến 150%, trong khi đó Việt Nam tham gia thì con số này được rút ngắn chỉ còn trung bình 25%. Sau này khi Việt Nam tiếp tục tham gia các diễn đàn kinh tế lớn hơn thì con số này chỉ ở mức 0 - 5%, đây là lợi thế rất lớn.

Mức độ mở cửa của các nước trên thế giới đối với Việt Nam trong các FTA cũng dần tăng theo khả năng áp dụng.

 

Trong 10 FTA đã thực thi và hai FTA dự kiến sắp có hiệu lực thì Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) có mức mở cửa "thoáng" nhất, trong đó phạm vi dòng thuế cắt giảm lên tới 100% từ năm 2019-2035 đối với CPTPP và 99% đối với EVFTA cho giai đoạn 2020-2030.

Việc tham gia các FTA còn giúp cho các doanh nghiệp trong nước giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rà (Ảnh: TL)

Việc tham gia các FTA còn giúp cho các doanh nghiệp trong nước giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rà (Ảnh: TL)

Chưa hết, theo ông Khanh việc Việt Nam tham gia các FTA còn giúp cải cách thủ tục hành chính trở nên gọn. Có hơn 85% doanh nghiệp cho rằng, quá trình thủ tục xin phép giấy phép được rút gọn đáng kể. "Chính những sức ép của các cam kết trong FTA mà Chính phủ có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để cắt giảm các thủ tục rườm ra cho doanh nghiệp", ông Khanh trình bày.

 

Khi tham gia các FTA thì doanh nghiệp trong nước sẽ được bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn lực. Bởi theo quy định của FTA: "Nhà nước không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân", từ đó tạo ra sân chơi bình đẳng cho các bên. "Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực mà trước đây doanh nghiệp nhà nước đã nắm giữ", ông Khanh trình bày.

Ngoài ra, khi tham dự các FTA đã giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài các doanh nghiệp Việt thì doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia vào đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Từ đó chất lượng của những công trình, dự án trở nên tốt hơn.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo