Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải bài toán liên kết chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã

DNVN - Một trong những điểm yếu nhất của mô hình hợp tác xã hiện nay là bất cập trong liên kết chuỗi giá trị. Việc liên kết từ hoạt động sản xuất, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm còn nhiều trở ngại.

TS Phạm S: Giải bài toán “3 hơn” cho nông sản Lâm Đồng / 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội được hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh

Bất cập trong liên kết chuỗi giá trị

Bà Lê Thị Tâm - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh Ninh Bình tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, 496 HTX. Trong đó, có trên 60 HTX, 2 liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết vùng trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã tạo nên các sản phẩm mang giá trị hàng hóa, sản phẩm OCOP chất lượng, thương hiệu được nâng lên. Nếu phát triển theo mô hình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong vấn đề sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Trong số 60 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, có những chuỗi HTX mạnh có thể tham gia bắt đầu từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Còn có những HTX tham gia một số nội dung trong chuỗi đó.

"Thực tế cho thấy, vùng sản xuất của Ninh Bình chưa đủ lớn để tạo ra những sản phẩm mang tính chất chủ lực. Bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề phát triển, liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh lại càng trở nên cấp bách", bà Tâm nêu.


Bà Lê Thị Tâm - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình.

Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua càng cho thấy những bất cập trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX. Việc hợp tác, liên kết chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Cũng theo bà Tâm, mô hình liên kết vùng theo các chuỗi giá trị hiện đại giữa HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhiều. Do đó, vấn đề đầu ra của người dân, HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng cung- cầu chưa gặp nhau vẫn xảy ra. Trong khi đó, đa phần các HTX thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên sẵn có tại địa phương. Do vậy, các sản phẩm của HTX còn khá đơn điệu, trùng lặp và thiếu dịch vụ bổ sung.

Công đoạn liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực của các HTX còn hạn chế. Hoạt động liên kết giữa HTX ở các địa phương trong vùng với nhau vẫn chưa được chắc chắn nên năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên cũng như những điểm mạnh sẵn có của các HTX trong việc phát triển chuỗi giá trị hàng hóa.

Cần vùng sản xuất đủ lớn để tạo giá trị sản phẩm

Theo bà Tâm, trong điều kiện khó khăn chung, với các HTX hiện nay phát triển chuỗi giá trị liên kết còn yếu. Một trong những điểm yếu nhất của HTX hiện nay là vấn đề liên kết, liên kết từ hoạt động sản xuất để tạo ra được các sản phẩm đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đến phần chế biến sâu của HTX hiện vẫn còn rất yếu. Khâu tiêu thụ cũng gặp nhiều trở ngại.

Liên minh mong muốn tham mưu với cơ quan quản lý về quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ, chuyển đổi số cho các HTX để nâng cao được giá trị sản phẩm. Trước mắt phải quy hoạch vùng, vùng phải đủ lớn mới tạo ra các sản phẩm có giá trị.

Liên minh sẽ tiếp tục tham mưu cho Nhà nước hỗ trợ vấn đề cơ sở hạ tầng, bởi cơ sở hạ tầng của HTX hiện nay rất yếu. Đồng thời hỗ trợ máy móc, thiết bị để các HTX chế biến sâu. Nếu không có máy móc thiết bị, không có công nghệ thì các HTX rất khó khăn trong chế biến sâu. Ngoài ra, cần giúp cho các HTX bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn của sản phẩm để đủ điều kiện đưa sản phẩm OCOP ra thị trường.

Các HTX cũng mong muốn được cơ quan quản lý và chính quyền địa phương hỗ trợ việc quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

"Vấn đề then chốt giúp các HTX có thể phát triển và đứng vững trên thị trường trong điều kiện hội nhập hiện nay là hỗ trợ HTX liên kết vùng để tạo các vùng nguyên liệu, có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bảo đảm tiêu chí tiêu chuẩn của sản phẩm. Và cuối cùng là liên kết để tiêu thụ sản phẩm", bà Tâm nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm