Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn?

DNVN - Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn, Ths Trần Văn Hiển - thành viên mạng lưới Tư vấn viên chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh các giải pháp về đào tạo, kết nối, áp dụng khoa học công nghệ…

Hỗ trợ cộng đồng DNNVV nhận thức thực sự đầy đủ về EVFTA / Khuyến nghị giúp DNNVV trong lĩnh vực phân phối hóa giải thách thức từ EVFTA

Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp thanh toán và tài chính cho DNNVV”, sáng ngày 10/9, Ths Trần Văn Hiển - Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), thành viên mạng lưới Tư vấn viên chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có khoảng 963.300 doanh nghiệp.

Trong đó, có khoảng 5,2 triệu cơ sở kinh doanh, 2,5 triệu cơ sở kinh doanh đóng thuế; gần 111 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 57,3 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135,3 nghìn doanh nghiệp, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ths Trần Văn Hiển đưa ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tại hội thảo.

Theo Điều 4 Luật Hỗ trợ DNNVV, tiêu chí xác định DNNVV là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. DNNVV được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Doanh nghiệp DNNVV hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đó là không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50 – 60%.

Cùng đó, hoạt động vay tín chấp rất khó để tiếp cận. DNNVV cũng khó tiếp cận việc cho vay dựa trên dòng tiền và chu kỳ vốn lưu động do dự án của DNNVV có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Loại hình doanh nghiệp này thường chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm.

Ông Hiển cho biết, VINASME đã và đang thúc đẩy các các giải pháp về đào tạo, kết nối, áp dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

Cụ thể, về đào tạo, VINASME tổ chức các khóa nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản trị tài chính. Ví dụ như hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn và quản trị DNNVV trong thời đại 4.0”; khóa đào tạo “Quản trị rủi ro và hoạt động kinh doanh liên tục” cho DNNVV tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo “Giải pháp thanh toán và tài chính cho DNNVV” kỳ vọng mang lại nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp.

Về kết nối, VINASME thông qua ký bản ghi nhớ (MOU) với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua các dự án trong và ngoài nước để giúp các DNNVV tham gia vào chuỗi toàn cầu. Ví dụ như tổ chức diễn đàn chính sách “Tiếp cận vốn - Khơi thông điểm nghẽn” tại Đà Nẵng và Bình Dương.

Về áp dụng khoa học công nghệ, VINASME hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, tăng minh bạch thông tin.

Ông Hiển nhấn mạnh, VINASME có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tín chấp và kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính. Doanh nghiệp có thể đạt được điểm xếp hạng tín nhiệm phù hợp để đi vay, hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm