Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ DNNVV tận dụng tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng thị trường từ CPTPP

DNVN - Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng thị trường từ CPTPP, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai các các hoạt động phổ biến thông tin về Hiệp định, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.

CPTPP: Hỗ trợ SMEs Canada muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam / Hội nhập CPTPP: Doanh nghiệp rất dễ "dính đòn" vì thiếu hiểu biết

Trong hai ngày 18 và 19/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình tập huấn cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thi CPTPP tại Bộ Công Thương (TOT). Đối tượng được tập huấn là các cán bộ của các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ, đào tạo của Hỗ trợ kỹ thuật - Phi dự án “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững – Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP” do Chính phủ Canada tài trợ.
Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) với mục tiêu giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Canada và các thị trường thành viên CPTPP khác, bằng cách xây dựng năng lực cho các đối tượng khu vực công (Bộ, ngành), tư (doanh nghiệp vừa và nhỏ - DNVVN, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ - DNPNLC) và các tổ chức hỗ trợ thương mại (hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng). HTKT tập trung ở 3 nhóm hàng chính là Dệt may; Nông/Thủy sản; và Đồ gỗ/Thủ công mỹ nghệ.

Tập huấn cán bộ hỗ trợ DNNVV trong thực thi CPTPP.
Đối với mục tiêu hoạt động Tập huấn cán bộ hướng dẫn (Train of Trainers – TOT), bên cạnh việc hỗ trợ chuyên gia của HTKT trong các chương trình đào tạo, các cán bộ hướng dẫn, tại vị trí công việc của mình sau này, có thể hướng dẫn lại các DNVVN, DNPNLC cách tiếp cận, tận dụng CPTPP phát triển xuất khẩu vào Canada và các thị trường thành viên CPTPP.
Tại buổi Tập huấn, các chuyên gia Việt Nam, chuyên gia Canada và các giảng viên chính (Master Trainers) của Dự án đã hướng dẫn cho các học viên tìm hiểu về các quy định và những cam kết chính của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và các lưu ý. Các nội dung được chú trọng như thuế, quy tắc xuất xứ, chất lượng, bao bì, dán nhãn, truy suất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu và những thực hành tra cứu thuế, khai báo chứng nhận xuất xứ.
Để doanh nghiệp có thể tận dụng được Hiệp định tốt nhất, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định, Dự án cũng chú trọng đến nội dung tiếp cận thị trường và khách hàng. Nội dung về đáp ứng yêu cầu khách hàng trong các tuân thủ quy định về môi trường, lao động, giới cũng được các học viên đặc biệt quan tâm và đón nhận.
Theo kế hoạch của HTKT, tháng 10/2020 sẽ diễn ra các hoạt động đào tạo cho 300 DNVVN ở 3 lĩnh vực lựa chọn tại thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đặc biệt, hoạt động tư vấn trực tiếp 1:1 miễn phí, của các chuyên gia quốc tế (Canada) và Việt Nam về tất cả các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải như thực thi cam kết về thuế, chứng nhận xuất xứ hay các cách tiếp cận yêu cầu khách hàng, thị trường…
Hỗ trợ kỹ thuật gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm: Phân tích các cơ hội và thách thức (tiếp cận và cạnh tranh thị trường, cân nhắc về môi trường, lao động và giới) trong thị trường CPTPP và các khuyến nghị chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp có phụ nữ sở hữu / lãnh đạo; Chuẩn bị các công cụ (ví dụ: sách hướng dẫn về CPTPP) và tài liệu đào tạo đáp ứng giới cho các doanh nghiệp nhỏ.
Giai đoạn 2 đào tạo 10 cán bộ từ Bộ ngành, hiệp hội tại Canada (Master Trainers), 10 cán bộ này với sự hỗ trợ của chuyên gia sẽ đào tạo lại 20 cán bộ (Trainers), đại diện hiệp hội, doanh nghiệp khác; Đào tạo 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ (3 hội thảo cho 3 nhóm lĩnh vực lựa chọn của HTKT); và 45 doanh nghiệp vừa và nhỏ được chọn để được chuyên gia Việt Nam và quốc tế tư vấn trực tiếp (1:1) các giải pháp tiếp cận thị trường Canada theo nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp.
Sau một năm, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, dấu hiệu suy thoái và xu hướng bảo hộ gia tăng, nhưng trao đổi thương mại với các nước thành viên đã có dấu hiệu khởi sắc. Trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2018. Ở một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%, xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6% với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như máy móc, thiết bị; điện thoại, linh kiện; thủy sản; dệt may; thủ công mỹ nghệ… Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019, Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm