Giảm thuế VAT: Động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng
Hiệp hội Dệt May kiến nghị bỏ thuế VAT, Bộ Tài chính nói gì? / Đề xuất tháo gỡ khó khăn hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành gỗ
Tác động tích cực đến doanh nghiệp và người dân
Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% được đánh giá là chính sách có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách này không chỉ giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện lợi nhuận và tăng khả năng cạnh tranh.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, chính sách giảm thuế VAT là biện pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp đối phó với biến động giá nguyên liệu nhập khẩu.
“Tác động tích cực của chính sách này không chỉ dừng lại ở việc giảm giá thành sản phẩm mà còn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thịnh khẳng định.
PGS,TS Lý Phương Duyên - giảng viên Học viện Tài chính, nhận định, việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 phù hợp với tình hình hiện nay. Chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước khi kích cầu tiêu dùng được thúc đẩy.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan trước chính sách giảm thuế VAT. Bà An Nhiên, một doanh nhân trong lĩnh vực nha khoa, cho biết, công ty của bà dự kiến sẽ điều chỉnh giảm giá sản phẩm khi chính sách này được áp dụng. Bà kỳ vọng việc giảm thuế sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Tương tự, ông Tuyên, một hộ kinh doanh tại Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, mức giảm 2% thuế VAT tuy nhỏ nhưng vẫn mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho những người làm kinh doanh như ông.
Hiệu quả đã được chứng minh qua các năm
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT đã mang lại những hiệu quả tích cực trong các năm trước.
Năm 2022, chính sách này hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị lên tới 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021.
Năm 2023, việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ 23,4 nghìn tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.
Dự kiến, trong năm 2024, chính sách giảm thuế này sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 49 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự đoán, việc giảm thuế VAT trong nửa đầu năm 2025 sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, các tác động tích cực về mặt kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn thu bù đắp cho ngân sách Nhà nước trong dài hạn.
Năm 2025 sẽ là năm thứ tư liên tiếp chính sách giảm thuế VAT được thực hiện, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Chính sách tiếp tục giảm 2% thuế VAT không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo