Hỗ trợ doanh nghiệp

Gợi ý cho doanh nghiệp Việt muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan

DNVN - Người dân Thái Lan quan tâm đến những câu chuyện liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm hay các màu sắc bắt mắt và đó là những điều cơ bản đầu tiên mà doanh nghiệp Việt phải thay đổi ngay nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Thái Lan.

Adobe lặng lẽ tăng giá Photoshop và Lightroom / CEO Microsoft: Thật "ghê tởm" nếu ăn mừng khi công ty đạt giá trị 1.000 tỷ USD

Ông Nich Reitmeier, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn Central Group Thái Lan đã đưa ra gợi ý này tại Hội thảo quy chuẩn hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhập khẩu quốc tế tại Thái Lan do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức ngày 07/5.
Tại hội thảo, các chuyên gia có chung nhận định rằng, Thái Lan là một trong những thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, muốn khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phù hợp và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Hội thảo "Thông tin các quy chuẩn hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhập khẩu quốc tế tại Thái Lan của Tập đoàn Central Group Việt Nam". (Ảnh: BCT)

Hội thảo "Thông tin các quy chuẩn hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhập khẩu quốc tế tại Thái Lan của Tập đoàn Central Group Việt Nam". (Ảnh: BCT)

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, Thái Lan không phải là một thị trường dễ tính mà đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Theo đó, với hàng hóa là thực phẩm, đồ uống phải có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA Thailan), trên bao bì phải công khai đầy đủ, cụ thể các thành phần nguyên liệu có trong sản phẩm, với hàng điện tử phải thông qua cơ quan quản lý công nghiệp…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, dù các tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu của Thái Lan vào hàng khó trên thế giới nhưng đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bởi nếu xuất khẩu được vào Thái Lan thì có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính khác, trong khi chi phí thâm nhập thị trường Thái Lan khá rẻ, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam vào Thái Lan cũng rất thuận tiện.
Ông Nich Reitmeier cho biết: Central Group là một trong những hệ thống thu mua, phân phối, bán lẻ lớn nhất tại Thái Lan và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với chuỗi siêu thị Big C. Tại Việt Nam, Central Group có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Thái Lan, mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy.
Chia sẻ về nguyên nhân sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản có chất lượng tốt, hương vị cũng rất ngon nhưng chưa phát triển được thị trường ở Thái Lan, ông Nich Reitmeier, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng Thái Lan, mẫu mã, sản phẩm cũng chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Thái Lan.
Đơn cử như ngôn ngữ chính trên bao bì vẫn là tiếng Việt, chỉ có một dòng chữ tiếng Anh bên sườn hộp, trong khi người Thái Lan chỉ quen với sản phẩm có tiếng Anh và cả tiếng Thái.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch điều hành Central Group Thái Lan, người Thái cũng quan tâm đến những câu chuyện liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm hay các màu sắc bắt mắt và đó là những điều cơ bản đầu tiên mà doanh nghiệp Việt phải thay đổi ngay nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Thái Lan.”
Để trở thành nhà cung ứng cho thị trường Thái Lan, bà Trần Thị Xuân Quyên, Trưởng phòng cấp cao phát triển khách hàng – kênh bán hàn đại siêu thị của Tập đoàn Unilever Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp phải đáp ứng và duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu của khách hàng mục tiêu để có sản phẩm phù hợp cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt phải lưu tâm.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm