Hỗ trợ doanh nghiệp

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động

DNVN - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang vừa có công văn khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội về một loạt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), đồng thời đề xuất các phương án giải quyết.

BIDV Bình Định tài trợ 500 tỷ đồng cho dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định / Long An: Hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Theo công văn này, Chủ tịch VITAS cảm ơn Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Vũ Đức Giang cho rằng, trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc phát sinh với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành dệt may, cần Chính phủ và các cơ quan quản lý hỗ trợ tháo gỡ.
Ách tắc trong khâu vận chuyển hàng hóa
VITAS đánh giá, gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do quy định của các địa phương, bộ, ngành không có sự thống nhất dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một kiểu làm cho DN, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và gây ách tắc, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hóa.
VITAS nêu một loạt dẫn chứng. Đó là việc phân "luồng xanh” là một giải pháp tạo thuận lợi cho DN, nhưng do mạng bị “nghẽn” hoặc bị “hacker” tấn công nên gây ách tắc. Vấn đề giấy xét nghiệm với những quy định không thống nhất ở các địa phương (dùng giấy xét nghiệm Test nhanh, Test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm RT-PCR và thời gian có giá trị) cũng làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn. Quy định thế nào là hàng hóa thiết yếu cũng được mỗi nơi hiểu một kiểu và tạo ra ách tắc.
Vướng mắc về quản lý lao động và chế độ cho NLĐ

Theo VITAS, phương án "3 tại chỗ" gây nhiều khó khăn. (Ảnh: TNO)
Theo ông Vũ Đức Giang, DN bố trí phương án sản xuất "3 tại chỗ", nhưng 60 - 70% NLĐ không đồng ý ở lại công ty do sợ bị lây lan. Theo đó, ông đặt câu hỏi "Số lao động này có được hưởng trợ cấp của Nhà nước theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 không?".
Ngoài ra, hiện nhiều DN nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho NLĐ nghỉ việc, giãn việc. Khi DN mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ. Tuy nhiên, Điều 107, BLLĐ quy định thời giờ làm thêm “...không được phép quá 40 giờ trong 1 tháng”.
Cũng theo VITAS, hiện toàn bộ hệ thống chính trị đang vào cuộc chống dịch một cách quyết liệt. Tuy nhiên, với những biến thể mới của COVID-19 thì giải pháp căn cơ là NLĐ và người dân phải được tiêm vaccine nhanh nhất và nhiều nhất có thể.
Nhanh chóng hỗ trợ DN và NLĐ
Với những khó khăn trên, người đứng đầu VITAS đưa ra một loạt kiến nghị:
Cơ quan Nhà nước cần xem lại quy định cấp mã QR về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước.
Đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện.
Bỏ quy định chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông. Thay vào đó là cho phép lưu thông hàng hóa như trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc những hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định (như ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương ngày 27/7/2021). Bởi vì, nếu thực hiện mục tiêu kép mà hàng hóa xuất khẩu, nguyên phụ liệu nhập khẩu không được phép lưu thông không thực hiện được.
Nhà nước đưa số lao động không đồng ý ở lại công ty thực hiện phương án "3 tại chỗ" vào đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, vì nếu áp dụng theo khoản 2 Điều 99 (không được trả lương ngừng việc) người lao động sẽ gặp khó khăn, trong khi dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm. Theo VITAS, tâm lý do sợ của NLĐ là có thể hiểu được. Trường hợp nếu DN phải trả lương ngừng việc (áp dụng theo khoản 3, Điều 99) thì thực sự DN không thể đủ khả năng chi trả.
Nhà nước cho phép DN, sau thời gian phong tỏa được bố trí thời gian làm thêm quá quy định nêu trên để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. DN vẫn sẽ bù trừ các tháng để bảo đảm không làm thêm quá 300 giờ/năm theo quy định tại khoản 3, Điều 107. 3)
Nhà nước ưu tiên cho NLĐ tại các DN sớm được tiêm vaccine (có thể cân nhắc trên cơ sở DN tự chịu chi phí) nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ và để DN có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Giành ưu tiên đặc biệt cho đội ngũ lái xe để bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
VITAS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các bộ, ngành tập trung triển khai nhanh các gói hỗ trợ cho DN và NLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ để DN và NLĐ đỡ khó khăn.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm