Hỗ trợ doanh nghiệp

Lấy ý kiến doanh nghiệp về áp dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động kinh doanh đa cấp

DNVN - Áp dụng hợp đồng điện tử trong ngành bán hàng đa cấp là phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ điện tử, góp phần bảo vệ môi trường và giảm chi phí. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa công nhận loại hợp đồng này.

BIDV Bình Định tài trợ 500 tỷ đồng cho dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định / Long An: Hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Đây là một trong những chủ đề được các doanh nghiệp (DN) cũng như giới chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến "Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" (Nghị định 40) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức sáng 28/7.
Chưa đề cập tới hợp đồng điện tử
Điều 29 của Nghị định 40 quy định: DN bán hàng đa cấp có trách nhiệm ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp. Với quy định này, hợp đồng điện tử chưa được Ban Soạn thảo đề cập trong bản dự thảo.
Ông Võ Đan Mạch- Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là nội dung quan trọng trong Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Võ Đan Mạch- Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam.
Điện tử hóa các văn bản giấy là một phần quan trọng của Chính phủ điện tử. Hợp đồng điện tử cũng đã được áp dụng trong một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như bảo hiểm, giao thông (đối với khối dân doanh) hoặc điện lực (đối với khối quốc doanh) – các lĩnh vực đòi hỏi tính bảo mật và xác thực cao cũng như có tác động lớn đối với xã hội.
"Vì vậy, chúng tôi kiến nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng hợp đồng bán hàng đa cấp điện tử để tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp", Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đề xuất.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Hiền- Quản lý kinh doanh toàn quốc Công ty Siberian Health cho rằng, việc áp dụng hợp đồng điện tử trong ngành bán hàng đa cấp là phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ điện tử và có những tác động sâu sắc đến xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Theo bà Hiền, kiến nghị Ban Soạn thảo sửa đổi Điều 29 của Nghị định 40 theo hướng cho phép DN được sử dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử với điều kiện tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Ngoài ra, DN bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 2 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp.
Chưa tạo điều kiện cho chuyển đổi số
Trên góc độ chuyên gia, PGS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo Nghị định 40 hiện chưa đề cập tới vấn đề công nhận hợp đồng điện tử trong khi giờ là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho tiến trình phát triển.
Theo lý giải của chuyên gia này, trên tực tế, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ đã và đang mang lại lợi ích to lớn. Ví dụ như việc ứng dụng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, mặc dù mới ở giai đoạn đầu nhưng đã nâng cao hiệu suất sử dụng, xử lý công việc và giúp tiết kiệm chi phí xã hội tới 9.900 tỷ đồng/năm. Với hàng triệu người tham gia, hàng triệu hợp đồng cần phải lưu trữ và xử lý, việc công nhận, cho phép ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng trực tuyến chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả phía cơ quan quản lý Nhà nước và cho DN.
"Vì vậy, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tính khả thi, giải pháp quản lý việc ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi thói quen giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến, việc nghiên cứu ứng dụng hợp đồng điện tử là đòi hỏi hết sức cấp thiết", chuyên gia Ngô Tri Long nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông số.
Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông số và ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông số đánh giá, các quy định tại Dự thảo Nghị định 40 cho thấy Ban Soạn thảo đã có thiện chí nhưng chưa tạo điều kiện nhiều cho chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ trong lĩnh vực về kinh doanh bán hàng đa cấp. Rất nhiều quy định mang tính tiền kiểm và khi áp dụng công nghệ thông tin có lẽ sẽ khó khăn.
"Ban Soạn thảo cần cân nhắc các vấn đề trực tuyến vì tôi quan sát thấy nếu chúng ta vẫn áp dụng tư duy theo kiểu xin phép và sự đồng ý trước mới cho tổ chức đào tạo, tư vấn bán hàng hay ký hợp đồng... sẽ gây khó cho cả DN và cơ quan quản lý. Do đó, cần phải có những quy định thuận lợi hơn cho vấn đề này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ký hợp đồng điện tử, tổ chức đào tạo và cấp phép...", ông Đồng nói.
Khó khăn nếu áp dụng
Đại diện Ban Soạn thảo, ông Trịnh Anh Tuấn- Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng DN và các chuyên gia. Ông Tuấn cam kết Ban Soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát đánh giá, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về hợp đồng điện tử.

Ông Trịnh Anh Tuấn- Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
"Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng ở Việt Nam, ngành này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia, trực tiếp là người dân. Rất nhiều trường hợp nếu ký hợp đồng điện tử mà sau này nếu có tranh chấp xảy ra thì người dân rất khó để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định hiện nay, khi ký hợp đồng người tham gia phải ký cam kết, trong đó cam kết phải thể hiện họ đã đọc hiểu về quy định, đã biết rằng khi tham gia có quyền lợi gì và cam kết này phải bằng giấy, để sau này nếu có tranh chấp xảy ra thì người tham gia hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ", ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ.
Với phân tích trên, ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, việc áp dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp có những khó khăn nhất định. Khi quản lý ở địa phương thì các cơ quan quản lý địa phương sẽ gặp không ít khó khăn. Dù vậy, Ban Soạn thảo ghi nhận các ý kiến và sẽ cân nhắc thêm nhằm mục tiêu tiếp tục đưa ngành bán hàng đa cấp phát triển đúng hướng.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Nghị định được sửa đổi nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch; Giảm tối đa nguy cơ lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi; Nâng cao tính khả thi, thống nhất của quy định; Nâng cao hiệu quả quản lý ở địa phương.
Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị định 40 sẽ được chuyển Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 9/2021 và trình Chính phủ vào tháng 10 hoặc 11/2021.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm