Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ 30% chi phí cho nhân rộng mô hình nông nghiệp hiệu quả cao

Tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, nhất là các làng nghề ở nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng chất sản phẩm công nghiệp nông thôn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ba ngành xuất khẩu chủ lực đối mặt rủi ro lớn từ chính sách thuế Mỹ / Các doanh nghiệp đầu ngành thúc đẩy đàm phán thương mại với đối tác Mỹ

Chú thích ảnh
Lao động tại làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức), thành phố Trà Vinh chăm sóc hoa. Ảnh tư liệu - minh họa: Thanh Hoà/TTXVN

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Tám cho biết, tỉnh tiếp tục đầu tư các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất; tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trung tâm Khuyến công của tỉnh sẽ tổ chức các lớp truyền nghề cho lao động tại các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát và tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong tỉnh.

Cùng với đó, Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn,... Các cơ sở, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tham gia những kỳ hội chợ trong nước để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu hàng hoá. Thông qua sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, cơ sở được tham gia giới thiệu “Gian hàng Việt trực tuyến”, như: Sendo, Tiki, Voso, Postmart,… và được tỉnh hỗ trợ tham gia các cuộc giao dịch thương mại vào thị trường ASEAN để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước.

Năm 2025, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt điều chỉnh mức chi cho chương trình khuyến công địa phương, với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phát triển.

Cụ thể, mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: xây dựng, mua máy móc thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật cao nhất với 30% chi phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình. Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, cơ sơ phổ biến tuyên truyền, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao mức hỗ trợ 30% chi phí, nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp 30% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình. Hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bằng 50% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp khi được bình chọn, trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 200 triệu đồng/lần, cấp huyện 100 triệu đồng/lần.

Theo ông Phạm Văn Tám, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có trên 16.000 cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn, với khoảng 37.000 lao động, tạo giá trị sản lượng khoảng hơn 3.350 tỷ đồng/năm. Tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các cơ sở phát triển sản xuất, chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn để nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng được thị trường ngoài nước để phát triển bền vững.Tính đến nay, tỉnh Trà Vinh có 45 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp khu vực và 14 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiêu biểu cấp quốc gia.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm