Hỗ trợ doanh nghiệp

Từ mùn cưa đến siêu thị: Hành trình trắc trở của nấm hữu cơ Việt

DNVN - Nấm hữu cơ đang trở thành một phần trong xu hướng nông nghiệp sạch toàn cầu. Nhưng để đưa sản phẩm từ trang trại đến tay người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nấm Tốt Nameco, là một hành trình không hề đơn giản.

Tạo đòn bẩy mới cho doanh nghiệp nhỏ phát triển / 4 tháng, Đà Nẵng xuất siêu hơn 160 triệu USD

Tận dụng lợi thế bản địa

Bắt đầu từ một trang trại nhỏ ở Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội), Công ty Nấm Tốt Nameco ra đời với mục tiêu sản xuất nấm sạch và hữu cơ.

Theo ông Mai Văn Hưng - Tổng Giám đốc Nấm Tốt Nameco, doanh nghiệp lựa chọn theo hướng hữu cơ từ những ngày đầu, dù biết đó là con đường chông gai, nhưng lại là con đường bền vững nhất cho ngành nông nghiệp và cho sức khỏe người tiêu dùng.

Lợi thế của Nameco không chỉ đến từ tư duy chiến lược, mà còn là khả năng tận dụng nguồn tài nguyên địa phương. Tại vùng Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), nơi Nameco đặt cơ sở sản xuất chính, nguyên liệu như keo bồ đề, loại nguyên liệu đầu vào lý tưởng để làm giá thể trồng nấm, có sẵn với giá thành rẻ và chất lượng cao.

Ông Mai Văn Hưng - Tổng Giám đốc Nấm Tốt Nameco.

“Chúng tôi không phải nhập khẩu mùn cưa hay rơm rạ, mà tận dụng những gì có quanh mình. Đây chính là cách làm nông nghiệp tuần hoàn sạch từ gốc,” ông Hưng nói thêm.

Đặc biệt, khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, Nameco đã tự nghiên cứu và phân lập thành công hơn 10 loại giống nấm chủ lực. Điều này giúp công ty kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính chủ động.

Việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng nấm hiện đại của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, cùng đầu tư dây chuyền chế biến sâu cũng giúp Nameco tăng tính cạnh tranh.

Không dừng lại ở nấm tươi, Nameco nhanh chóng mở rộng danh mục sản phẩm sang nấm khô, nước cốt lẩu nấm và các sản phẩm chế biến sâu khác. Tính đến năm 2024, công ty đã phát triển hơn 15 dòng sản phẩm khác nhau, phân phối đến nhiều hệ thống siêu thị như Dalat Mart, Vita Market, Làng Việt Mart và các nhà hàng chay, cơ sở Phật giáo trên cả nước. Doanh thu tăng trưởng từ 300 triệu đồng năm 2014 lên 15 tỷ đồng vào năm 2024 là con số đáng chú ý trong bức tranh nông nghiệp hữu cơ vốn nhiều biến động.

Tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất giá thể dồi dào ngay tại địa phương.

Đường đến tay người tiêu dùng còn nhiều rào cản

Dù có nền tảng sản xuất ổn định và chứng nhận hữu cơ được cấp từ năm 2020, hành trình đưa nấm sạch của Nameco đến tay người tiêu dùng vẫn vấp phải nhiều rào cản.

Thứ nhất là thời hạn bảo quản ngắn. “Nấm là sản phẩm rất mẫn cảm với thời gian. Nếu không được tiêu thụ trong vài ngày sau thu hoạch, chất lượng sẽ suy giảm nhanh chóng. So với sản phẩm nhập khẩu được xử lý bằng công nghệ bảo quản hiện đại, nấm hữu cơ trong nước chịu thiệt thòi lớn về thời gian lưu trữ và phân phối”, ông Hưng cho biết.

Khu vực nuôi trồng nấm tại Nấm Tốt Nameco.

Thứ hai là bài toán vốn. Dù Nhà nước và các tổ chức tín dụng có đưa ra các gói vay ưu đãi cho nông nghiệp xanh, nhưng thực tế tiếp cận được nguồn vốn này là điều không dễ.

“Chúng tôi không có nhiều tài sản để thế chấp, trong khi mô hình sản xuất nấm lại khó định giá theo tiêu chuẩn truyền thống. Vay vốn trở thành rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp nhỏ khó mở rộng quy mô,” ông Hưng phân tích.

Đây là thực tế phổ biến trong ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, nơi đa số doanh nghiệp nhỏ chưa thể tạo lập tài sản cố định vững chắc để làm điều kiện vay vốn.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Người tiêu dùng phổ thông hiện vẫn chưa phân biệt rõ giữa nấm thông thường, nấm sạch và nấm hữu cơ. Khi nhận thức chưa đủ, thì mức giá cao của sản phẩm hữu cơ dễ trở thành rào cản. Điều này khiến doanh nghiệp phải vừa làm truyền thông, vừa sản xuất, vừa tìm cách giữ giá hợp lý.

“Chúng tôi không thể chỉ bán nấm, mà còn phải bán cả câu chuyện phía sau sản phẩm. Và câu chuyện đó phải đủ sức thuyết phục từ quy trình nuôi trồng, công nghệ chế biến đến trách nhiệm với cộng đồng”, ông Hưng nói.

Một khó khăn khác ít được nhắc đến là hạ tầng kỹ thuật của vùng sản xuất. Dù nguyên liệu sẵn có, nhưng việc thiếu hệ thống lạnh, bảo quản sau thu hoạch, hay điều kiện vận chuyển chuyên biệt khiến chuỗi giá trị khó bảo đảm tính bền vững. Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chi phí năng lượng cao cũng đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp như Nameco.

TSKH Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trải nghiệm hái Nấm Tốt.

Cần một hệ sinh thái đồng hành bền vững

Dẫu gặp nhiều khó khăn, ông chủ của Nấm Tốt Nameco vẫn tin vào tương lai của ngành nấm hữu cơ tại Việt Nam.

Ông Hưng cho biết, người tiêu dùng sẽ thay đổi, và khi họ thay đổi, thị trường cũng thay đổi. Việc của chúng ta là kiên định với con đường mình đã chọn. “Nếu không có những doanh nghiệp tiên phong, ngành nông nghiệp hữu cơ sẽ khó tạo được sức bật thực sự”, ông Hưng khẳng định.

Nấm Tốt góp phần thực hiện hiệu quả xu hướng "từ trang trại tới bàn ăn".

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nấm là loại sản phẩm có tiềm năng lớn nếu xây dựng được chuỗi giá trị bài bản từ giống, giá thể, công nghệ, chế biến, bảo quản đến thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh người Việt đang hướng đến thực phẩm lành mạnh, ít đạm động vật, thì nấm hoàn toàn có cơ hội trở thành sản phẩm chủ lục, do có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị đặc trưng.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện nay, các văn bản pháp lý còn phân tán, chưa thống nhất, thiếu cơ chế đặc thù để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, mô hình khuyến nông cộng đồng, nghiên cứu giống bản địa, truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng cần được thực hiện đồng bộ.

“Chúng tôi rất muốn được hỗ trợ khi doanh nghiệp còn nhỏ, còn yếu. Nếu chỉ “đơn thương độc mã”, những người tiên phong sẽ dễ bị bỏ lại phía sau,” ông Hưng nói.

Tuy nhiên, để nhiều"người Việt được dùng nấm Việt" vẫn là bài toán khó.

Từ thứ tưởng chừng chỉ dùng để nhóm bếp như mùn cưa, những người làm nấm hữu cơ đã tạo nên sản phẩm đủ chuẩn bước vào siêu thị, nhà hàng, thậm chí chùa chiền. Đó không chỉ là câu chuyện về kỹ thuật, mà còn là hành trình của sự kiên nhẫn, của lòng tin vào một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Nấm Tốt Nameco là thương hiệu tiên phong trong trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu hữu cơ tại Việt Nam. Với hơn 11 năm hoạt động, công ty đã phát triển hàng chục dòng sản phẩm, phân phối đến các chuỗi siêu thị, nhà hàng và cơ sở Phật giáo. Được chứng nhận hữu cơ từ năm 2020, Nấm Tốt cam kết cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao từ nguyên liệu bản địa.

Duy Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm