Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA

DNVN - Tình hình xuất khẩu đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV năm 2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023. Do đó, VCCI cho rằng cần sớm triển khai chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt thiết kế riêng cho từng thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên cho thị trường Mỹ và EU.

Thúc đẩy quyền trẻ em cho doanh nghiệp Việt / Trình Chính phủ giải pháp "gỡ khó" thị trường trái phiếu

Những kết quả tích cực
Tại hội thảo "Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới" sáng 17/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát năm 2022 của VCCI, có 54% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua, và chỉ 1% doanh nghiệp cho biết đã chịu các tác động bất lợi từ các FTA liên quan tới các cam kết FTA.
Các khảo sát của VCCI thực hiện qua các năm 2016, 2020 và 2022 cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về các cam kết FTA đã có những thay đổi tích cực, theo hướng sâu hơn, thực chất hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp chỉ “nghe nói” về các FTA đã giảm dần từ mức 73,2% năm 2016 xuống 62,1% năm 2020 và 55,8% năm 2022. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết FTA có liên quan tới mình đã tăng lên rõ rệt từ mức 12,4% năm 2016 lên mức 26,1% năm 2022.
Chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng
Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất xuất khẩu là rất tích cực, một số thực tế cho thấy nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng.
Về xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020-2021, tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI).
Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan, quan sát cho thấy tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định.
Về những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA, khảo sát năm 2022 của VCCI chỉ ra rằng, doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường, hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng. Và mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước, bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan Nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% doanh nghiệp.
Những dấu hiệu bất lợi
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, mặc dù năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và với các thị trường FTA nói riêng của Việt Nam vẫn đạt được các kết quả ấn tượng, tình hình thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV 2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, thậm chí có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian dài hơn.
Dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra trong tháng 10/2022 đều cho thấy viễn cảnh 2023 không sáng sủa cho xuất khẩu của Việt Nam. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với 2021. Riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Ý…
Dự báo của WTO về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự. Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12.3% năm 2021; EU thậm chí là -0,7%, trong khi 2022 tăng 5,4% và 2021 8,3%.
Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác.
Trong những ngày gần đây, tình hình thị trường có một vài tín hiệu lạc quan hơn, như Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể chính sách ứng phó COVID-19 khiến các nguy cơ về chuỗi cung bớt căng thẳng hay EU dường như đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất về năng lượng, lạm phát. Tuy nhiên, tình hình thị trường nhìn chung vẫn khá ảm đạm.
Cần biện pháp hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp
Trong bối cảnh này, VCCI kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai một số biện pháp trực tiếp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường, trong đo ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ.
Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.
Trong dài hạn, VCCI kiến nghị Đảng và Nhà nước xem xét một số định hướng như nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương/khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi.
Thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.
"Hy vọng rằng với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý, và nỗ lực của từng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu nói riêng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo", chuyên gia bày tỏ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm