Hỗ trợ doanh nghiệp

Thúc đẩy quyền trẻ em cho doanh nghiệp Việt

DNVN - Chương trình đào tạo hướng dẫn viên “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ” được Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức từ 12-17/12, tại Hà Nội nhằm hỗ trợ đào tạo thúc đẩy quyền trẻ em cho doanh nghiệp Việt.

Nỗ lực vì sứ mệnh: “Để mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày” / Hà Nội: 15 doanh nghiệp ủng hộ 550 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình đào tạo hướng dẫn viên “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ” sáng 12/12, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI cho rằng, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng số lượng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ đẩy đủ, cụ thể các cam kết liên quan tới đến lao động và quyền của người lao động.

Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI tin tưởng về chương trình hỗ trợ đào tạo thúc đẩy quyền trẻ em cho doanh nghiệp Việt.

Trong ngành sản xuất, những nhãn hàng quốc tế hàng đầu như Nike và Adidas có kỳ vọng cao đối với nhà cung cấp và đưa ra ưu đãi để khuyến khích các nhà cung cấp chứng minh được các cam kết chủ động của mình đối với vấn đề môi trường, xã hội bền vững.

Đó là các vấn đề về phúc lợi nhân viên, đặc biệt là tăng quyền năng cho nữ giới, quyền của người lao động và lao động trẻ em tại nơi làm việc.

Các nhãn hàng lớn chú trọng thiết lập quan hệ đối tác dài hạn hay đối tác chiến lược chỉ với nhà cung cấp nào mà họ có thể chứng tỏ được tinh thần đổi mới và tiên phong đi đầu trong thúc đẩy xã hội, môi trường bền vững.

Đảm bảo phúc lợi, sự hài lòng trong công việc, giữ chân người lao động và thu hút nhân tài là một thách thức luôn đặt ra với từng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tác động đại dịch COVID-19 gần đây.

Tình trạng mất việc làm, căng thẳng sức khỏe, áp lực năng suất, kỹ năng nghề nghiệp, sống xa gia đình, con cái và hàng trăm khoản phải chi tiêu đã khiến người lao động ngày càng gặp khó khăn. Họ loay hoay trong việc tìm kiếm giải pháp để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình, đặc biệt vấn đề chăm sóc con cái.

“Đây chính là lý do để chúng tôi phối hợp tổ chức Chương trình đào tạo hướng dẫn viên “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ”, một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy Quyền trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh trong Doanh nghiệp tại Việt Nam - CRBP” do UNICEF Việt Nam hỗ trợ”, ông Huy nói.

Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững bày tỏ tin tưởng chương trình này sẽ từng bước hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với người lao động; góp phần thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em thông qua nâng cao kiến thức kỹ năng của các cha mẹ là người lao động tại doanh nghiệp.

Ban tổ chức chương trình và đại diện các doanh nghiệp tham dự sự kiện.

Các hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc trẻ em cho người lao động giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro về uy tín. Doanh nghiệp có hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc cho người lao động cũng có thể cải thiện quan hệ lao động, giảm tỷ lệ đình công làm gián đoạn công việc.

Đầu tư hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc cho người lao động có thể giúp doanh nghiệp đạt làm việc năng suất tốt hàng ngày, giúp giảm được tình trạng “làm cho có lệ”.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất có hỗ trợ chăm sóc trẻ em nhận thấy sự khác biệt trong năng suất và độ gắn bó của nhân viên. Đối với doanh nghiệp đã có tầm nhìn chiến lược dài hạn thì đầu tư hỗ trợ chăm sóc trẻ em cũng chính là đầu tư vào thế hệ người lao động kế cận với hy vọng rằng thế hệ sau và sau đó nữa cũng đến làm việc tại công ty mình.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Anjanetee Daguisag - Trưởng phòng Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF nhấn về tầm quan trọng của các phương pháp nuôi dạy con tốt đối với sự phát triển về thể chất, nhận thức, cảm xúc và tâm lý xã hội của trẻ. Phần lớn các bậc cha mẹ còn thiếu kiến thức đầy đủ về các kỹ năng làm cha mẹ để giáo dục con cái tốt.

“Chương trình Phát triển trẻ thơ toàn diện (IECD) của UNICEF và các đối tác ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong kế hoạch hành động. Thông qua các hoạt động về quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh, chúng tôi khẳng định khối doanh nghiệp vừa có trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em vừa cần hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các chính sách tại nơi làm việc của họ”, bà Anjanetee Daguisag nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm