Kết nối phát triển nhóm sản phẩm chủ lực: Cần tránh việc 'đường ai nấy đi'
Đó là ý kiến của ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tại Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)”, vừa diễn ra tại TP.HCM.
Lợi thế trong việc kết nối “4 nhà”
Theo đó, Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)” với mục tiêu thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực gồm: Cơ khí – tự động hóa; điện – điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế và nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của cả nước, TP.HCM có một mạng lưới doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư tài chính, các cơ quan, đơn vị, trường học, viện nghiên cứu với số lượng lớn, quy mô đa dạng và trình độ phát triển cao.
Ông Liêm cho biết, hiện thành phố đã ban hành danh mục các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp tiềm năng của thành phố và danh mục nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đồng thời, chỉ đạo các sở - ngành tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ một số nội dung liên quan để phát triển các ngành này thành những thương hiệu của các ngành công nghiệp, nông nghiệp chủ yếu của thành phố.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển nền công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản, nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị, hội thảo để đề xuất các giải pháp thúc đẩy các nhóm sản phẩm chủ lực trong hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp chủ yếu.
"Mục đích phát triển mối liên kết 4 nhà ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực nhằm phát triển nguồn nhân lực hình thành các sản phẩm mới và cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn", ông Liêm cho hay.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó GĐ Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, tại TPHCM, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương; Ngân hàng, Nhà nước đã rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, với việc xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới khoa học công nghệ trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Trường, viện.
"Vì thế, Nhà nước có vai trò rất quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa Trường, viện - Doanh nghiệp, không chỉ khuyến khích mà còn tham gia trực tiếp như bên thứ ba, là cầu nối và bà đỡ cho sự hợp tác, đồng thời cũng hưởng lợi từ sự phát triển của các bên", ông Phùng trình bày.
Xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược trở thành đại học nghiên cứu trong năm 2030, PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQG TPHCM, nhấn mạnh mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được xem là mối liên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi chứ không phải chỉ là sự hỗ trợ một chiều.
Trong đó, chuyển giao công nghệ và phát triển các vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp được coi như là “nhiệm vụ thứ ba” của các trường đại học. Trên cơ sở đó, khuyến nghị chính sách phát triển khoa học công nghệ cho thành phố, trong đó chú trọng tới cách tiếp cận xác định công nghệ theo 2 phương thức: xuất phát từ nhu cầu thị trường và xuất phát từ năng lực công nghệ.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2015 đến nay, UBND TP cũng ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nền nông nghiệp đô thị, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, từ 60% đến 100% khi đầu tư phát triển và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho những nhà đầu tư.
Góp phần trong liên kết "4 nhà" theo mô hình trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, hơn 5 năm qua đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như triển khai thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp; cho vay kích cầu đầu tư; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện nay đang triển khai 3 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả, gồm: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, tăng mức tín dụng, cơ cấu lại kỳ hạn nợ trả nợ; Cho vay bình ổn thị trường với mức lãi suất thực trả hợp lý; Và cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn nhằm gắn kết chính sách tiền tệ - tín dụng theo cơ chế thị trường với chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Nhà nước.
Cần tránh việc "đường ai nấy đi"
Chương trình liên kết là hết sức cần thiết, qua đó thấy được tiềm năng của thành phố cũng như những hạn chế còn tồn đọng nên cần tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh để đưa ra những chính sách tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đã có một số mô hình hợp tác khá hiệu quả của các Trường đại học kỹ thuật với các doanh nghiệp. Tuy nhiên nhìn chung khoảng cách giữa các đại học và doanh nghiệp có xu thế ngày càng nới rộng “đường ai nấy đi”.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Phùng cho rằng chủ yếu là nhận thức của các bên có liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học và doanh nghiệp còn rất thờ ơ, chưa chú trọng thúc đẩy mối quan hệ này, chưa đề ra được những chương trình, hành động mang tính chiến lược giải quyết những khó khăn tồn tại, các rào cản hiện có.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân chủ quan và khách quan từ chính các trường đại học và doanh nghiệp cũng như các cơ chế, quy định hiện hành của Nhà nước tạo ra những trở ngại không nhỏ.
Không chỉ thế, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (lãi suất, thị trường, nguồn nhiêu liệu đầu vào, địa điểm đầu tư...) nên một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại.
Các doanh nghiệp đa số là vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu; các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các dự án đăng ký tham gia chương trình kích cầu chưa thẩm định hết nội dung theo quy định như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ...
Do đó, TP.HCM kỳ vọng việc thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và các bên lên quan là một giải pháp mang tính đòn bẩy. Đồng thời, đây cũng là một trong các giải pháp hữu hiệu thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ, xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế tri thức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo