Hỗ trợ doanh nghiệp

Khó xử doanh nghiệp núp bóng COVID "né" BHXH

Bên cạnh những doanh nghiệp thực sự khó khăn thì vẫn còn những doanh nghiệp cố tình vin vào lý do dịch COVID-19 để trốn đóng BHXH. Nếu không có những biện pháp "mạnh tay", tình trạng này có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

VINASME kết hợp với Liên Hợp quốc đào tạo “Quản trị rủi ro" mang lợi ích liên tục cho DN / Khi nào doanh nghiệp nhỏ thoát ‘vòng xoáy’ tín dụng đen?

Trước thực tế này, ngành BHXH đang đẩy mạnh các giải pháp thu hồi nợ đọng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nợ BHXH gia tăng

Đơn cử, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh cho biết, có nhiều DN gặp khó khăn do dịch COVID-19, dẫn tới tình trạng nợ đóng tiền BHXH cho người lao động (NLĐ), nhưng cũng có không ít DN cố tình trây ỳ nợ đọng nhằm trục lợi chính sách. Trong đó, nhiều DN dù có số NLĐ không nhiều, ít khó khăn nhưng vẫn không đóng bảo hiểm cho NLĐ. Cá biệt, có những DN trừ một phần tiền lương của NLĐ nhưng không đóng bảo hiểm.

no-dong-BHXH-8371-1607913171.jpg

Sẽ đẩy mạnh thanh tra doanh nghiệp cố tình nợ đọng BHXH.

Thống kê của BHXH tỉnh Quảng Ninh cho thấy, số tiền nợ BHXH giảm rồi lại tăng và hiện ở mức trên 256 tỷ đồng, tăng 62 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số nợ từ 1 đến dưới 3 tháng là 29 tỷ đồng; nợ từ 3 tháng trở lên là 127 tỷ đồng; nợ khó thu (DN giải thể, phá sản, có chủ mất tích, bỏ trốn…) là 33,3 tỷ đồng.

Đại diện BHXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc trốn nghĩa vụ đóng bảo hiểm đã gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ. Những cuộc thanh, kiểm tra đột xuất các DN nợ đọng bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ giúp truy thu được 540 triệu đồng của 7 đơn vị nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 và 2019.

Từ ngày 23/11-18/12/2020, đoàn công tác liên ngành gồm các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có BHXH tỉnh, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đang lần lượt làm việc với các DN nợ tiền bảo hiểm của NLĐ. Trọng tâm của đợt thanh, kiểm tra này là thanh, kiểm tra 56 đơn vị, DN có nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền gần 37 tỷ đồng.

Tương tự, thống kê từ BHXH Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, số đơn vị nợ đóng BHXH tăng nhanh. Tính đến ngày 31/10, toàn Thành phố có 68.449 đơn vị nợ, 1.180.590 lao động với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 4.627,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải tính lãi là 1.820,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ 3,78%, tăng 907,6 tỷ đồng so với tháng 12/2019.

Điều đáng nói, đến nay, TP.Hà Nội còn hơn 20.000 đơn vị đang nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 3 tháng trở lên. Số tiền nợ đóng BHXH chiếm hơn 9% kế hoạch thu BHXH, tăng cao so với năm 2019 (số sợ năm 2019 bằng 1,98% kế hoạch thu).

 

Đơn cử, một số DN có số nợ lớn phải kể đến như Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC với số nợ hơn 24 tỷ đồng, kéo dài 28 tháng; Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà ở và đô thị Hà Nội nợ 2,3 tỷ đồng, kéo dài 20 tháng; Công ty CP Dược phẩm công nghệ cao Abipha nợ 2,4 tỷ đồng, kéo dài 11 tháng; Công ty CP Hassyu Việt Nam nợ hơn 2,6 tỷ đồng, kéo dài 40 tháng…

Vướng ở khâu xử lý

Để khắc phục thực trạng nợ BHXH, thời gian qua, BHXH Hà Nội cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như công khai tên DN nợ. Với những DN chây ỳ nợ đọng, BHXH TP ký kết quy chế phối hợp 5 ngành: Công an, LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế Hà Nội về bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, các đoàn thanh, kiểm tra đều có công an tham gia, nhờ đó tăng mạnh hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, thu hồi nợ đọng.

Trong tháng 12, BHXH TP.Đà Nẵng cho hay, đang thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất 82 đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đồng thời triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm thu hồi nợ và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Cùng với đó, BHXH TP cũng chủ động tham mưu văn bản đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của UBND các cấp, phối hợp với ngành Công an, Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan, tham mưu thành lập Tổ thu nợ liên ngành để đôn đốc, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Đáng chú ý, tháng 11 vừa qua, BHXH TP.Đà Nẵng đã gửi 6 hồ sơ khởi tố đơn vị nợ qua cơ quan Công an, hiện đã có văn bản thông báo tiếp nhận 1 hồ sơ đối với Công ty Cổ phần Cơ giới - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5.

 

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết sẽ chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. "Trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất", Tổng giám đốc yêu cầu.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cơ quan BHXH, việc tổ chức thực hiện xử lý các vi phạm về BHXH hầu hết đều bị "tắc" trong việc xác định hành vi vi phạm và thu thập tài liệu. Đó là việc cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác.

Những vướng mắc cụ thể như số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không? Đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến "đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật" sẽ xử lý như thế nào...?

Do vậy, nếu không tháo gỡ được những khó khăn trên, có giải pháp mạnh tay hơn nữa thì tình trạng nợ đọng BHXH vẫn tiếp diễn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm