Hỗ trợ doanh nghiệp

Không chỉ iPhone, mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Apple gặp nhiều khó khăn

Apple đã trải qua năm 2018 không mấy thành công khi doanh số của iPhone không cao như mong đợi khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh. Bước sang năm 2019, tình hình của Apple được dự đoán sẽ không cải thiện mà thậm chí còn tồi tệ hơn, khi mảng kinh doanh lớn thứ 2 của hãng cũng được cho là sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Hơn 59% doanh nghiệp dự báo kinh doanh sẽ thuận lợi hơn / Samsung ưu tiên Ấn Độ khi ra mắt sản phẩm mới

iPhone vẫn luôn là mảng kinh doanh mang lại doanh thu lớn nhất cho Apple trong những năm gần đây, tuy nhiên chính việc quá phụ thuộc vào iPhone đang là “con dao hai lưỡi” đối với chính Apple, khi mà doanh số của iPhone sụt giảm cũng sẽ khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm theo.

Năm 2018 là năm không mấy thành công của Apple, khi doanh số iPhone không cao như mong đợi, đặc biệt bộ 3 iPhone mới (XS, XS Max và XR) đã khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm kéo theo giá cổ phiếu của Apple giảm mạnh. Hiện tại Apple đã bị giành mất danh hiệu công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới bởi Microsoft và bị các “ông lớn công nghệ” khác như Google hay Amazon vượt qua về mặt giá trị vốn hóa thị trường.

Không chỉ iPhone, mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Apple gặp nhiều khó khăn - 1

Apple bị dự đoán sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới

Trong bối cảnh doanh thu từ iPhone sụt giảm thì lĩnh vực dịch vụ, mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Apple, vẫn đạt được sự tăng trưởng trong năm 2018. Mảng kinh doanh này bao gồm các dịch vụ AppleCare, Apple Pay, iTunes, App Store, Apple Music... được xem là “cứu cánh” cho Apple trong bối cảnh doanh số iPhone không còn như mong đợi. Thậm chí Apple còn đặt ra mục tiêu doanh thu 50 tỷ USD từ mảng doanh thu của hãng vào năm 2020, tăng từ doanh thu 30 tỷ USD của năm 2017.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thị trường, mục tiêu mà Apple đặt ra rất khó đạt được khi mà mảng kinh doanh dịch vụ của hãng sẽ đối mặt với giai đoạn khó khăn trong thời gian tới.

Theo Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích thị trường của hãng tài chính AB Bernstein (Mỹ) thì các công ty kinh doanh dịch vụ thông qua App Store của Apple sẽ bắt đầu “nổi loạn” để chống lại khoản tiền mà mình phải trả cho Apple, vốn được biết đến với tên gọi “Thuế Apple”.

Hiện tại Apple đang tính phí những công ty kinh doanh dịch vụ thông qua các ứng dụng trên iOS như Netflix hay Spotify khoảng 15% đến 30% trên tổng doanh thu hàng tháng dựa vào thuê bao do người dùng từ App Store tạo ra. Apple sẽ thu 30% tổng số tiền mà một thuê bao trả cho các dịch vụ có thu phí trong năm đầu tiên và 15% số tiền mà người dùng phải trả cho năm tiếp theo.

Khoản phí này đã mang về cho Apple những lợi nhuận không hề nhỏ, dù chỉ đóng vai trò trung gian, do vậy các nhà cung cấp dịch vụ có thu phí đang tìm cách để cắt giảm khoản tiền này. Chẳng hạn các dịch vụ như Netflix và Spotify sẽ không chấp nhận những người dùng đăng ký dịch vụ mới thông qua ứng dụng trên iOS, thay vào đó những người dùng muốn đăng ký các dịch vụ của Netflix và Spotify phải đăng ký dịch vụ thông qua trang web của 2 dịch vụ này, điều này sẽ giúp Netflix và Spotify tránh được việc phải trả “Thuế Apple” như trước đây.

Toni Sacconaghi cho rằng đang có một “sự bất mãn” gia tăng trong số các nhà phát triển ứng dụng của Apple và các nhà phát triển sẽ tìm mọi cách để cắt giảm khoản “Thuế Apple” này, khi phải trả cho Apple một khoản tiền lớn doanh thu từ dịch vụ của mình, trong khi Apple chỉ đóng vai trò trung gian giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ.

Toni Sacconaghi dự đoán mảng kinh doanh dịch vụ sẽ phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn trong thời gian tới và chắc chắn điều này sẽ khiến Apple ít nhiều phải lo ngại.

Nếu những dự đoán của Sacconaghi là chính xác, Apple hoàn toàn có lý do để lo lắng khi mà cả hai mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất cho hãng là iPhone và dịch vụ gặp khó khăn trong thời gian tới. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp, với Apple “tuột dốc” là điều khó tránh khỏi.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm