Hỗ trợ doanh nghiệp

Không kiểm soát chặt hóa chất tồn dư, trái sầu riêng sẽ bị "chặn" đường xuất khẩu

DNVN - Nếu muốn xuất khẩu đi các nước phát triển, bắt buộc sầu riêng Việt Nam phải được trồng theo phương pháp Global Gap nghiêm ngặt, tuân thủ theo đúng quy định của từng thị trường tiêu thụ về dư lượng hóa chất tồn dư...

Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng gặp khó trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai / Đà Nẵng: Công ty Long Hậu tiếp tục khởi công xây dựng 2 khu nhà xưởng công nghệ cao

Vấn đề lớn với doanh nghiệp
Tại phiên tư vấn xuất khẩu các sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức trực tiếp tại Đắk Lắk ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết: Trái sầu riêng Việt Nam đang ngày càng thể hiện vị trí thống lĩnh trên thị trường lớn nhất Châu Đại Dương - Australia, với hàng loạt thương hiệu đặc trưng riêng như ASEAN Produce, Vin Eni, Basel, Ưu Đàm, No1…
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên, theo Nghị định thư vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký kết về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 12/7, Trung Quốc chính thức thông quan nhâp khẩu chính ngạch đối với trái sầu riêng Việt Nam.
Phân tích sâu về hoạt động xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) thông tin, bằng Nghị định thư này, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch cho thị trường Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc thường nhập sầu riêng cấp đông của Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Vinafruit, nuồn cung ni-tơ lỏng hiện nay và sắp tới sẽ là vấn đề lớn khi Việt Nam mở rộng sản lượng XK sầu riêng đi Trung Quốc cũng như các nước khác.
Trước đây, khi cấp đông bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình phải mất 6 - 8 tiếng mới cấp đông xong cho mỗi container 40 feet đạt -18oC. Với hệ thống cấp đông mới, sử dụng công nghệ khí ni-tơ lỏng cấp đông đạt -18oC chỉ mất thời gian 1 tiếng, nhanh gấp nhiều lần thông thường. Sau đó sầu riêng được đóng gói và xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau. Sau khi rã đông, hương vị vẫn giống như sầu riêng tươi, đảm bảo giữ 100% chất lượng và mùi vị trái cây.
"Tuy nhiên, nguồn cung ni-tơ lỏng hiện nay và sắp tới sẽ là vấn đề lớn khi mở rộng sản lượng XK sầu riêng đi Trung Quốc cũng như các nước. Hiện nay Malaysia đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung ni-tơ lỏng phục vụ cấp đông sầu riêng XK. Một số sầu riêng buộc phải chế biến thành pu-rê, nếu không sẽ bị hư thối và bị loại bỏ. DN Việt Nam nên suy nghĩ và để ý tới vấn đề này nếu đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tiềm năng Trung Quốc", ông Nguyên khuyến nghị.
Theo Nghị định thư này, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được GACC phê duyệt.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên.
Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký trước sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tất cả vùng trồng đã đăng ký XK sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp...
Mấu chốt là kiểm soát dư lượng hóa chất tồn dư
Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn có thể xuất khẩu đi các nước xa dưới hình thức cấp đông nguyên trái hoặc tách múi tới các thị trường nơi có đông cộng đồng người Châu Á sinh sống như Mỹ , EU, Nhật Bản, Australia.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Vinafruit, nếu muốn XK sầu riêng đi các nước phát triển, bắt buộc sầu riêng phải được trồng theo phương pháp Global Gap nghiêm ngặt, tuân thủ theo đúng quy định của từng thị trường tiêu thụ về dư lượng hóa chất tồn dư, cũng như các điều kiện kiểm dịch thực vật khác. Nếu không sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi XK tới cảng đến của các nước trên.
Với thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến nghị, Nhật Bản là thị trường có các tiêu chuẩn cao và quy định nhập khẩu chặt chẽ, hoa quả tươi nhập khẩu phải đảm bảo độ tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không còn tồn dư các chất bảo vệ thực vật.
Năm 2021 Nhật Bản nâng mức độ và tần suất kiểm dịch đối với 100% các lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất phát từ một số vụ việc phát hiện trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Thời gian lưu kho kiểm dịch tại cảng, sân bay kéo dài hơn gây ra tổn thất về chi phí đối với nhà xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trái cây không còn được tươi ngon và dẫn đến rủi ro không còn được khách hàng ưa chuộng.
Việt Nam cần có nguồn quy hoạch vùng trồng sầu riêng đảm bảo chất lượng cho hàng xuất khẩu cho thị trường Nhật nói riêng và các nước khác nói chung. Đảm bảo tốt khâu bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển để hoa quả được tươi ngon đến tay người tiêu dùng. Đồng thời cần đáp ứng các quy định về bao bì, dán nhãn.
Các DN cần cố gắng đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá XK ổn định nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường. Lý do là người Nhật khá nhạy cảm với những sự thay đổi thất thường trong giá cả của hàng hóa cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu.
Bên cạnh trái sầu riêng tươi thì các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái sầu riêng (sấy khô, nước ép, kẹo dẻo…) để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đa dạng hóa khẩu vị, góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh trái sầu riêng Việt Nam tại Nhật Bản.
"Nhu cầu về các loại hoa quả, trong đó có sầu riêng luôn ở mức cao nên để thúc đẩy nhiều hơn nữa vào thị trường Nhật Bản, vấn đề mấu chốt vẫn là kiểm soát chất lượng, dư lượng hóa chất tồn dư và giá cả cạnh tranh hơn so với sầu riêng Thái Lan", ông Minh nhấn mạnh.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm