Kiến nghị gỡ rào cản đầu tư trong sản xuất thuốc lá
Doanh nghiệp ngành nhôm chật vật giữa áp lực thuế / Đà Nẵng rà soát tình trạng cho thuê nhà xưởng trái phép trong các KCN
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương.
Trong đó, VCCI nêu một số ý kiến đáng chú ý đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá – mặt hàng thuộc diện hạn chế kinh doanh, đang chịu sự quản lý rất chặt chẽ của Nhà nước.
Hiện nay, để hạn chế nguồn cung ra thị trường, tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước hằng năm đang bị khống chế. Cụ thể, tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá để tiêu thụ nội địa không được vượt quá hạn mức mà Bộ Công Thương công bố. Sản lượng được cấp phép của từng doanh nghiệp cũng được xác định dựa trên kết quả kinh doanh ba năm gần nhất và kế hoạch sản xuất trong năm năm tiếp theo.
Bên cạnh việc kiểm soát sản lượng, các hoạt động đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, sang nhượng máy móc thiết bị trong ngành thuốc lá cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; đầu tư sản xuất thuốc lá xuất khẩu hoặc gia công thuốc lá xuất khẩu đều phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Bộ Công Thương.
Không được xây mới, mở rộng quy mô hoặc nâng công suất các cơ sở sản xuất thuốc lá để tiêu thụ nội địa vượt quá năng lực sản xuất toàn ngành đã được Bộ xác định.
Doanh nghiệp chỉ được nhượng bán máy móc thiết bị còn giá trị sử dụng cho các đơn vị có giấy phép phù hợp hoặc thực hiện xuất khẩu, tái xuất. Thủ tục này cũng phải được Bộ Công Thương chấp thuận trong vòng 15 ngày làm việc.
VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định yêu cầu phải xin phép cơ quan quản lý đối với các hoạt động đổi mới thiết bị, công nghệ hay nhượng bán máy móc là không cần thiết và tạo thêm rào cản trong đầu tư. Doanh nghiệp đồng tình với chủ trương kiểm soát chặt hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá vì lý do sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, khi Nhà nước đã giới hạn rõ ràng sản lượng tiêu thụ nội địa, thì việc tiếp tục kiểm soát cả hoạt động đầu tư trang thiết bị, vốn là quyền chủ động của doanh nghiệp và gắn với chiến lược kinh doanh riêng, là chưa hợp lý.
Từ thực tế đó, một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương xem xét bỏ quy định phải xin chấp thuận đối với các hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ và chuyển nhượng máy móc thiết bị trong ngành thuốc lá. Theo họ, điều này sẽ góp phần giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát sản lượng tiêu thụ trên thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo