Loạt xe mới có giúp Toyota tìm lại vị thế ở việt Nam?
Cận cảnh SUV mạnh 201 mã lực, giá hơn 900 triệu đồng / Trời nắng nóng máy lạnh ô tô nguy cơ nhanh hỏng, đâu là nguyên nhân và cách xử lý
2020 là năm bận rộn với Toyota Việt Nam. Dù thị trường ôtô chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, hãng xe Nhật Bản vẫn đều đặn giới thiệu sản phẩm mới tới người dùng trong nước.
Bên cạnh Corolla Cross - tân binh trong nhóm SUV 5 chỗ, hàng loạt mẫu xe Toyota đã được nâng cấp trang bị, điều chỉnh giá bán và ra mắt phiên bản mới như Wigo, Vios, Hilux, Corolla Altis hay Fortuner.
Động thái làm mới gần như toàn bộ dải sản phẩm cho thấy tham vọng tìm lại vị thế đã mất của Toyota tại thị trường Việt Nam, sau năm 2019 có phần trầm lắng trước sự bành trướng của các đối thủ.
Không còn là hãng bán nhiều ôtô nhất Việt NamNăm 2019, Toyota bán được 79.328 xe, nhiều hơn 13.400 xe so với năm 2018. Tuy nhiên, niềm vui tăng trưởng của Toyota không thể trọn vẹn khi đánh mất vị trí hãng bán nhiều xe nhất vào tay Hyundai. Với 79.568 xe bán ra, thương hiệu Hàn Quốc đã có lần đầu đứng thứ nhất về doanh số cả năm tại Việt Nam.
Sau 8 tháng của năm 2020, Toyota tiếp tục tỏ ra đuối sức trước đối thủ khi bán được 34.743 xe các loại, trong khi Hyundai ghi nhận doanh số 40.828 xe (chưa bao gồm 159 xe chuyên dụng nhập khẩu). Với cách biệt hơn 6.000 xe, khả năng Toyota trải qua năm thứ hai liên tiếp chịu xếp dưới Hyundai không hề nhỏ.
Xét riêng từng dòng sản phẩm, ngoại trừ "con gà đẻ trứng vàng" Vios, Toyota đang dần đánh mất vị thế ở hầu hết phân khúc.
Toyota Camry vẫn là mẫu sedan hạng D ăn khách nhất, tuy nhiên VinFast Lux A2.0, với nhiều khuyến mại lớn suốt thời gian qua, đã không ít lần vượt mặt Camry trên bảng xếp hạng doanh số hàng tháng.
Toyota Vios hiện là sản phẩm thành công nhất của Toyota tại Việt Nam. |
Toyota Fortuner không còn là chiếc SUV/CUV 7 chỗ bán tốt nhất khi sau 8 tháng của năm 2020, hai vị trí dẫn đầu thuộc về Hyundai Santa Fe (5.539 xe) và Honda CR-V (4.862 xe).
Trong khi đó, có thể xem Avanza là thất bại của Toyota tại nhóm xe 7 chỗ cỡ nhỏ. Innova mất ngôi vương MPV vào tay Xpander, Corolla Altis dần bị lãng quên trong phân khúc sedan hạng C còn Wigo chưa thể sánh ngang với Grand i10, Morning hay thậm chí là Fadil. Doanh số 1.200 xe bán ra sau 8 tháng của Hilux cũng chẳng thấm vào đâu khi đặt cạnh kết quả 6.601 xe mà Ranger đạt được.
Toyota Avanza được xem như đã thất bại hoàn toàn tại thị trường Việt Nam. |
Có thể thấy, sự thất thế của Toyota tại thị trường Việt Nam dần lộ rõ từ khi năm 2019 khép lại. Đây cũng là tiền đề cho chiến dịch làm mới toàn bộ dải sản phẩm mà Toyota đã và đang thực hiện trong năm nay, với hàng loạt mẫu xe mới được ra mắt.
"Thay máu" toàn diệnBước sang năm 2020, hàng loạt mẫu ôtô Toyota mới ra mắt thị trường Việt. Đáng nói hơn, những gì người dùng thường phàn nàn về xe "Toy" như giá bán không tương xứng với option, ít trang bị an toàn, chậm đổi mới hay "mua bia kèm lạc" đều phần nào đã được khắc phục qua mỗi lần giới thiệu sản phẩm mới.
Tháng 1, Toyota trình làng Vios bản nâng cấp 2020. Vios mới được bổ sung một số trang bị như Cruise Control, cảm biến trước, kết nối Apple CarPlay và Android Auto. Trong khi đó, giá bán xe không đổi.
Tiếp đó, Toyota Wigo 2020 ra mắt với ngoại hình được tinh chỉnh, nội thất có thiết kế bớt lỗi thời hơn, bổ sung các trang bị như chìa khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm, gương chiếu hậu gập điện, đầu DVD, camera lùi và cảm biến lùi. Đồng thời, phiên bản Wigo 1.2 AT giảm giá 21 triệu đồng, trong khi bản 1.2 MT tăng 7 triệu đồng.
Nổi bật nhất phải kể đến Toyota Corolla Cross, mẫu xe hoàn toàn mới trong phân khúc SUV 5 chỗ. Sự xuất hiện của Corolla Cross đánh dấu nhiều thay đổi tới từ cách làm sản phẩm của Toyota.
Trước kia, Toyota Việt Nam thường bị chê là chậm chạp trong việc nâng cấp sản phẩm. Thông thường, các mẫu xe mới mất khoảng một năm sau khi mở bán tại Thái Lan hay Indonesia để có thể cập bến thị trường Việt Nam. Corolla Cross là bất ngờ khi trình làng người dùng nội địa chưa đầy một tháng sau khi ra mắt toàn cầu, với đầy đủ phiên bản.
Giá bán 720-910 triệu đồng của Corolla Cross được xem là hợp lý với những gì xe sở hữu. Mức giá này giúp tân binh tới từ Toyota có thể cạnh tranh cùng các mẫu SUV đô thị như Hyundai Kona hay Kia Seltos, đồng thời "vợt" khách từ nhóm xe C-SUV (Mazda CX-5, Hyundai Tucson).
"Mua bia kèm lạc", tình trạng ép khách mua kèm bộ phụ kiện tại các đại lý, cũng đã được Toyota xử lý mạnh tay hơn khi Corolla Cross trình làng. Chưa biết hiệu quả đến đâu, song đây cũng là động thái cho thấy nỗ lực ghi điểm của Toyota trong mắt người dùng Việt.
Cuối cùng, Corolla Cross là một trong số ít mẫu xe Toyota có thể tự tin so kè về mặt trang bị an toàn với đối thủ. Gói an toàn Toyota Safety Sense 2.0 ra mắt không lâu sau khi Honda Sensing xuất hiện trên CR-V 2020 cho thấy sự nhanh nhạy hơn trong việc bắt kịp xu hướng, cùng mong muốn thay đổi quan niệm người dùng về Toyota.
Vừa qua, Toyota tiếp tục gây chú ý khi nhanh chóng đưa Fortuner 2021 về Việt Nam. Có giá bán 995 triệu - 1,434 tỷ đồng, thay đổi nhẹ so với giá cũ 1,033-1,354 tỷ đồng, Toyota Fortuner 2021 được nâng cấp ngoại hình và bổ sung trang bị.
Bên cạnh đó, Toyota còn giảm giá niêm yết của Rush, giới thiệu Hilux 2020 và Corolla Altis 2020. Tuy nhiên, dường như hãng xe Nhật Bản đã quyết định "bỏ" phân khúc sedan hạng C khi chỉ nâng cấp nhẹ cho Corolla Altis, trong khi thế hệ mới đã ra mắt từ lâu.
Cần có thời gianNăm 2020 chứng kiến những sự thay đổi nhanh và toàn diện của Toyota tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Trao đổi với Zing, chị Phạm My, cựu nhân viên kinh doanh một hãng xe Hàn Quốc, nhận định Toyota đang tìm lại sức hút với người dùng bằng cách giảm giá sản phẩm, tăng cường trang bị và nhanh chóng cập nhật xe mới. Đây cũng chính là những yếu tố giúp các hãng như Hyundai hay Kia từng bước bành trướng thị phần.
"Toyota bắt đầu đi theo lộ trình từng giúp Hyundai, Mazda, Kia hay Mitsubishi chiếm được cảm tình từ người dùng. Các hãng xe kể trên không nhanh chóng thành công và Toyota cũng sẽ cần thời gian", chị My nhận xét.
Đồng quan điểm, tuy nhiên chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn cho rằng vẫn là một ông lớn của thị trường, vì vậy Toyota hiện sở hữu những lợi thế riêng trên hành trình trở lại vị trí dẫn đầu.
Theo ông Sơn, bên cạnh mẫu mã, giá bán hay trang bị, khả năng giữ giá, độ bền bỉ, chi phí sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa thấp đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các hãng xe tại Việt Nam.
"Đây đều là những yếu tố mà nhiều hãng cần quãng thời gian dài để chứng minh được với người dùng. Trong khi đó, Toyota vốn đã có đủ các lợi thế này và nhờ vậy, có thể rút ngắn quãng đường tìm lại vị thế cũ", ông Sơn cho biết.
Tất nhiên đối thủ của Toyota cũng không dừng lại. Hyundai, Mazda, Kia và Honda cũng đang nâng cấp các sản phẩm của mình để cạnh tranh, và thị trường đang ngày càng có những cái tên chất lượng cho người dùng lựa chọn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc