Hỗ trợ doanh nghiệp

Luật Thẩm định chuỗi cung ứng: Thách thức hay cơ hội với doanh nghiệp Việt?

DNVN - Luật Thẩm định chuỗi cung ứng đang được châu Âu xem xét thông qua để áp dụng từ năm 2026. Trong khi đó, một số nước đã có luật riêng hay những quy định cụ thể trong từng lĩnh vực. Theo giới chuyên gia, dù có thách thức, khó khăn nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nên coi đây là cơ hội, giúp DN tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn.

Cần hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phát huy đúng tiềm lực / Xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

Tuân thủ quy định thẩm định vượt phạm vi doanh nghiệp

Hiện một số quốc gia đã có đạo luật riêng về thẩm định chuỗi cung ứng như Đức, Nauy, Pháp. Thậm chí, một số quốc gia có đạo luật riêng cho từng nội dung như Mỹ, Australia, Canada hay một số nước châu Âu.
Đáng chú ý, châu Âu đang có dự thảo chỉ thị về vấn đề này. Tháng 2/2022, Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất chỉ thị về thẩm định chuỗi cung ứng. Ngày 1/6/2023, Nghị viện EU thông qua đề xuất Chỉ thị với 366 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Dự thảo chỉ thị tiếp tục được thảo luận, đàm phán giữa Nghị viện EU với Hội đồng EU và các quốc gia thành viên trước khi được chính thức thông qua. Nếu dự thảo được thông qua và có hiệu lực thì từ năm 2026 có thể được áp dụng.
Tại diễn đàn "Công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Thẩm định chuỗi cung ứng được các nước xem xét và ban hành với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức…
Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng không dừng lại ở việc tuân thủ và thực hiện trong phạm vi DN.
Không phải bây giờ Việt Nam mới thực hiện kinh doanh có trách nhiệm mà câu chuyện này ở Việt Nam đã được các DN quan tâm và bắt đầu làm từ cách đây 20 năm. Việc thẩm định chuỗi cung ứng khác ở chỗ nó sẽ bao hàm tất cả nội dung liên quan đến lao động, xã hội và môi trường mà DN phải tuân thủ.
Theo hướng dẫn của OECD về thẩm định hành vi kinh doanh có trách nhiệm ban hành năm 2018, thẩm định là quy trình mà các DN cần thực hiện để nhận diện, ngăn ngừa, giảm thiểu và giải trình về những phương thức được áp dụng để giải quyết các tác động bất lợi thực tế và tiềm ẩn trong hoạt động của DN, trong các chuỗi cung ứng và mối quan hệ kinh doanh của mình.
Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng không dừng lại ở việc tuân thủ và thực hiện trong phạm vi DN của mình mà phải có mối liên hệ, liên kết với các nhà cung ứng và những đối tác có liên quan. Khách hàng nước ngoài tới Việt Nam làm việc, ngoài việc xem DN có kết quả kinh doanh ra sao thì họ cũng tìm hiểu việc đối tác của DN đối xử với người lao động cũng như xem xét việc tuân thủ lĩnh vực bảo vệ môi trường như thế nào. Như vậy, thẩm định trong chuỗi cung ứng rộng hơn trong phạm vi trách nhiệm xã hội thông thường của DN.
"Thẩm định DN trong chuỗi cung ứng không phải là mới mà thực chất là những gì chúng ta đang và đã làm. Tuy nhiên, những quy định này hướng đến việc DN tự nguyện thực hiện. Còn khi châu Âu thông qua dự thảo chỉ thị cũng như luật của Đức đã có hiệu lực thì việc tuân thủ không còn là tự nguyện nữa mà là bắt buộc nếu DN tham gia vào chuỗi cung ứng của những quốc gia này", bà Liên nhấn mạnh.
Thách thức hay cơ hội với doanh nghiệp Việt?
Đánh giá về khó khăn, thách thức trong việc tuân thủ các quy định về thẩm định chuỗi cung ứng, bà Liên cho rằng, các DN chưa có đầy đủ thông tin liên quan về thẩm định chuỗi cung ứng. Đa phần các DN của Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên nguồn lực hạn chế. Trước đây, khi thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, DN đã phải bỏ ra nguồn đầu tư tương đối lớn. Với những DN lớn, DN đa quốc gia có tiềm lực mạnh nhưng vẫn đối diện với khó khăn. Trong khi DN Việt Nam hạn chế về nguồn lực nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như các DN lớn.
Mặc dù có những thách thức, khó khăn như vậy nhưng các DN cũng nên coi việc ban hành quy định thẩm định chuỗi cung ứng là cơ hội, giúp các DN tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn.
"Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN của Đức chịu ảnh hưởng của luật này phải có trách nhiệm hỗ trợ cho các DN trong chuỗi để có thể bảo đảm các quy định. Các DN đầu chuỗi có thể hỗ trợ bằng việc tập huấn, đào tạo về xử lý rủi ro bằng nguồn kinh phí hoặc ngân sách nhất định để chung tay cùng các DN trong chuỗi xử lý rủi ro. Khi đã tham gia chuỗi cung ứng và khẳng định vị thế của mình bằng việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ được nâng cao", bà Liên nhìn nhận.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, tuân thủ tốt những trách nhiệm quy định cho DN trong chuỗi cung ứng không chỉ năng lực của DN được nâng cao mà khi người lao động và môi trường được đối xử tốt thì DN mới có thể phát triển bền vững. Chỉ khi người lao động được giải phóng sức lao động về tinh thần và thể chất thì năng suất lao động mới tăng lên. Đây là lợi thế lâu dài mà DN tiếp nhận được.
"Các DN nên cân nhắc những lợi ích về phát triển bền vững trong tuân thủ chứ không nên nhìn theo hướng bắt buộc thực hiện một cách miễn cưỡng. Việc tuân thủ các quy định thẩm định trong chuỗi cung ứng không chỉ bảo đảm để DN tồn tại trong chuỗi cung ứng, mà nó thực sự mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho chính DN của mình", bà Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hà - Cán bộ chương trình cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế ‌nhìn nhận, một trong những thách thức phổ biến thường gặp đối với các DN nhỏ và vừ là khó tiếp cận nguồn vốn, khó thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thiếu sự bảo lãnh của Nhà nước để có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng. Thứ hai, DN nhóm này khó tiếp cận chuỗi cung ứng do hạn chế về công nghệ, nhân lực và năng suất lao động nên khó có thể cạnh tranh. Với những đặc thù này, cần sự chung tay hỗ trợ của nhiều bên để cộng đồng DN nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thuận lợi và hiệu quả hơn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm