Hỗ trợ doanh nghiệp

‘Mách nước’ giúp doanh nghiệp Việt hồi phục

Khi mà đại dịch Covid-19 làm cho phần lớn doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trở nên điêu đứng, thì họ cũng cần được “mách nước” và tìm hiểu lý do tại sao có một số DN trong nước vẫn vượt qua và hồi phục sau khủng hoảng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Tuần lễ cá hồi Sapa diễn ra từ 25/4-3/5 / Thừa Thiên Huế: Kêu gọi đầu tư dự án Kho xăng dầu, gas tại Tân Cảng Thuận An

Mới đây, tại một buổi chia sẻ trực tuyến (online) với khoảng 50 DN từ nhiều tỉnh, thành xoay quanh vấn đề đổi mới tiếp thị và kinh doanh thời Covid-19, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder, lưu ý những DN nào kết nối được với khách hàng thì sẽ sống sót trong bối cảnh kinh tế đình trệ.

Hồi chuông cảnh tỉnh”

Điều này có thể thấy ở các DN biết tận dụng Internet, kinh doanh online. Hoặc là những DN nhạy bén, nắm bắt được thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng nên tìm kiếm được khách hàng. Trong khi đó, với những DN vẫn khư khư theo kiểu kinh doanh cũ thì gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng do người dân thay đổi chi tiêu, thói quen mua sắm…

Theo ông Tuấn, các DN cần lưu ý các giá trị như tư duy sáng tạo, giá trị của sự tiện lợi, tái định vị giá trị mới đối với khách hàng mục tiêu, tăng các kênh bán hàng thông minh, bán hàng online…

Ở góc độ quản lý, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA), Bộ Công Thương, cho rằng trước đây nhiều DN chưa tham gia thương mại điện tử nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh thì đã tham gia. Những mặt hàng chưa từng có mặt trên sàn giao dịch online thì bây giờ cũng đã xuất hiện.

Để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong mùa đại dịch Covid-19,IDEA vừa phối hợp Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử đã cho ra mắt kênh đào tạo trực tuyến trên nền tảng YouTube Livestream. Hoạt động này được kỳ vọng có thể giúp các DN vừa và nhỏ nâng kinh doanh online trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc triển khai các giải pháp giúp DN Việt hồi phục trong giai đoạn hậu Covid-19 (đơn cử là việc kinh doanh online) là điều cần làm trong lúc này. Nhất là với các DN vừa và nhỏ đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn trong khi họ đang chiếm 98% quy mô và đóng góp 45% GDP cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy trong quý I/2020, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường, gồm 18.600 DN tạm thời đóng cửa, 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể…

Đại dịch Covid-19 đang thách thức DN trên khắp Việt Nam khi số đông chủ DN đang báo cáo sụt giảm doanh số mạnh trong nhiểu tuần qua và không chắc khi nào sẽ tăng trở lại.

Dù đại dịch đang khiến phần lớn DN điêu đứng, các chuyên gia cho rằng đây có thể xem như một “hồi chuông” giúp các chủ DN “cảnh tỉnh”.

Ts Burkhard Schrage (Đại học RMIT Việt Nam), cho biết: “Cú sốc ngoại vi này có thể là dịp lý tưởng để DN rà soát lại các quy trình làm việc hiện tại, như khâu tuyển dụng và quản lý nhân lực, chuỗi cung ứng và phân phối, phát triển sản phẩm, và chiến lược và hoạt động tài chính”.

Các DN vừa và nhỏ sẽ cần phải vạch ra “tầm nhìn hậu đại dịch”

Các DN vừa và nhỏ sẽ cần phải vạch ra “tầm nhìn hậu đại dịch”

Tầm nhìn hậu đại dịch

Việc đổi mới các quy trình này cũng là đòi hỏi mang tính thiết yếu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số và thường được coi là yếu tố then chốt để DN Việt thành công trên thị trường toàn cầu. Và việc triển khai các quy trình mới một cách cẩn thận còn có thể giúp DN vừa và nhỏ tăng cường tính cạnh tranh về lâu dài.

Ts. Schrage nhận định: “Bây giờ là lúc để DN chuẩn bị hành trang cho tương lai. Và có thể đại dịch này là “điều may trong cái rủi” giúp DN cạnh tranh một cách bền vững hơn tại Việt Nam cũng như trên trường quốc tế”.

Cũng nên tham khảo một nghiên cứu từ công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company đã chỉ ra lý do tại sao một số DN vượt qua và phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.

 

Thứ nhất là Giải quyết vấn đề (“Resolve”): giải quyết những thách thức trước mắt với DN, như bảo vệ nhân viên và chuyển đổi sang hình thức làm việc tại nhà, phi tập trung.

Thứ hai là Phục hồi (“Resilience”): Giải quyết những thách thức trước mắt về lượng tiền mặt và chuỗi cung ứng, cũng như xác định các mối nguy chính đối với DN và lập kế hoạch cho các kịch bản khác nhau.

Thứ ba là Trở lại (“Return”): Phác thảo một kế hoạch chi tiết cho các hoạt động hậu khủng hoảng. Dù không thể biết cuộc khủng hoảng kéo dài bao lâu, DN vẫn nên sẵn sàng khi tình trạng này kết thúc.

Thứ tư là Tái hình dung (“Reimagination”): Thế giới sẽ khác sau khủng hoảng. McKinsey & Company gọi đây là “tình trạng bình thường mới”. Người tiêu dùng sẽ quan tâm tới các tính năng khác trong sản phẩm mà DN cung cấp, đối thủ sẽ cạnh tranh khác đi, chuỗi cung ứng sẽ được cấu hình không giống như trước đây. Điểm cốt lõi là cần điều chỉnh DN nhanh chóng để phù hợp với thế giới mới sau khủng hoảng này.

Theo Ts. Burkhard Schrage, trong những thời điểm thách thức, các DN có khả năng lãnh đạo kỷ luật và đồng cảm cao với nhân viên, cũng như có kỹ năng thực thi nhanh chóng sẽ vươn lên dẫn đầu một khi “vầng dương lại hé rạng”.

 

“Chúng ta vẫn chưa biết “tình trạng bình thường mới” sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nó sẽ thiên về công nghệ kỹ thuật số, tính linh hoạt và khả năng phục hồi cao, cùng một lực lượng lao động linh hoạt hơn”, ôngSchragenói.

Cũng theo vị chuyên gia của RMIT, các lãnh đạo DN sẽ cần phải vạch ra “tầm nhìn cho thế giới hậu đại dịch” và các chiến lược để đạt được tầm nhìn đó. DN sẽ thành công bền vững nếu biết thực thi tốt các chiến lược đó dựa trên những luật chơi mới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm