Hỗ trợ doanh nghiệp

Mở cửa du lịch quốc tế cận kề, doanh nghiệp "ngóng" những quyết sách kịp thời

DNVN - Thời điểm mở cửa du lịch quốc tế đã rất cận kề nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn nhận thấy nhiều rào cản cần tháo gỡ ngay. Xung quanh vấn đề này, Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định về dư lượng Ethylene Oxide / Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cục Hải quan Bắc Ninh dẫn đầu cả nước

PV: Chính phủ đã đồng ý mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với cách làm hiện nay, rất khó để hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Ông Hoàng Nhân Chính: Về nguy cơ khó thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tôi muốn chia ra thành 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan có một số yếu tố không thuận lợi, đó là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, gây tác động xấu đến toàn cầu. Khi tình hình an ninh thiếu ổn định, thông thường có tác động xấu đến tâm lý khách du lịch. Xung đột này ảnh hưởng đến các đường bay từ Việt Nam đến châu Âu và ngược lại. Như vậy, khi các đường bay phải đổi thì không những mất nhiều thời gian mà còn làm tăng giá vé.
Tình hình cấm vận kinh tế giữa các nước phương Tây và Nga đã tác động xấu đến sự hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Phải nhìn nhận rằng, 2 năm qua dưới tác động của COVID-19, kinh tế thế giới đã bị tác động xấu, khiến ngành du lịch chưa thể phục hồi và phát triển. Khi chúng ta chưa kịp phục hồi sau đại dịch lại bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, đẩy giá dầu tăng cao. Cho dù Chính phủ có thể có các biện pháp hỗ trợ giảm thuế phí liên quan đến xăng dầu, nhưng giá xăng dầu tăng cao cũng làm giá dịch vụ tăng cao.
Xét về yếu tố chủ quan, có những điểm không thuận lợi, chưa hợp lý, chưa thể hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của tôi, chúng ta rất khó tác động đến yếu tố khách quan để làm giảm thiểu tác động tiêu cực. Nhưng chúng ta có thể chủ động thay đổi cách làm, hạn chế yếu tố chủ quan. Thậm chí còn phải có suy nghĩ chuyển từ nguy thành cơ. Bởi, nếu Việt Nam mở cửa sớm một các bài bản, thân thiện, an toàn thì hoàn toàn có cơ hội để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
PV: Vậy, cụ thể những điểm bất lợi trong yếu tố chủ quan là như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính:Thứ nhất, đã sát ngày 15/3 - thời điểm Chính phủ đồng ý cho mở cửa du lịch quốc tế nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa công bố chính thức việc mở cửa. Điều này gây bất lợi nhiều cho ngành du lịch. Trong khi đó, các nước khác như Singapore hay Thái Lan công bố lịch mở cửa rất sớm, thậm chí trước cả 6 tháng.
Thứ 2, các chiến dịch quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế vẫn còn mờ nhạt và chưa đủ sức thu hút du khách. Hiện, TAB chưa nhìn thấy một nghiên cứu quan trọng nào được thực hiện để hiểu thị trường du lịch quốc tế. Bởi sau COVID-19, nhu cầu, hành vi tiêu dùng, xu hướng đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, cần chủ động thay đổi cách làm, hạn chế yếu tố chủ quan để thu hút khách du lịch quốc tế.
Chúng ta cần hiểu, không phải cứ mở cửa là có khách tới ngay. Hiện có rất nhiều người vẫn đang suy nghĩ: Việt Nam mở cửa là khách du lịch quốc tế ồ ạt đến. Đây là suy nghĩ sai lầm. Đúng là có rất nhiều khách có nhu cầu tới Việt Nam, nhưng phải hiểu họ đến Việt Nam nếu có điều kiện như thế nào, sản phẩm du lịch phải như thế nào để thỏa mãn nhu cầu của họ. Họ thay đổi hành vi như thế nào và mong muốn điều gì? Tìm kiếm trải nghiệm nào, quan ngại điều gì? Và làm sao để tránh vấn đề đó? Liệu họ có quan ngại trước yêu cầu cách ly hay xét nghiệm không? Nếu họ quan ngại thì phải khắc phục như thế nào? Từ đó đưa ra cách giải quyết vừa thân thiện vừa giữ được an toàn cho Việt Nam...
Vừa rồi kết quả khảo sát của TAB về thị trường du lịch nội địa đã thấy có rất nhiều thay đổi về nhu cầu, hành vi và xu hướng của khách hàng so với trước dịch COVID-19. Gần 90% khách nội địa trả lời nếu có cách ly thì họ không đi du lịch nữa. Chúng ta cần phải làm những nghiên cứu để hiểu thị trường quốc tế, từ đó xác định ai sẽ triển khai những chiến dịch tiếp thị như thế nào...
Trước khi làm chiến dịch tiếp thị thì phải hiểu được thị trường. Nếu cứ tiếp thị đơn thuần nhưng chưa hiểu tâm lý khách hàng thì không thể đưa ra được thông điệp đúng. Nếu chưa hiểu được thị trường nào đang có khả năng đến du lịch Việt Nam để nhắm cho đúng thì có khi tiếp thị lại bị lệch hướng.
Thứ 3, chính sách thị thực của Việt Nam còn kém hấp dẫn, còn là rào cản cho khách quốc tế đến Việt Nam. Các nước khác đã đưa ra chính sách về miễn thị thực, hoặc thậm chí là thị thực điện tử, theo đó thuận lợi hơn rất nhiều cho DN. Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện.
Thái Lan đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, con số này với Indonesia là 170, Philippine là 157. Ngoài ra các nước này đều ưu tiên áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.
Với Việt Nam, thời điểm trước khi có dịch COVID-19, áp dụng miễn thị thực cho 24 quốc gia. Trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương và 11 nước miễn thị thực song phương. Nhưng phần lớn các nước miễn thị thực đơn phương đều là miễn thị thực trong vòng 15 ngày.
Trước đây, trong thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, TAB từng phân tích, khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường xa như Châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ hoặc thậm chí từ Úc thường chi trả cho chuyến đi của họ từ 1.200 - 1.400 USD. Từ những thị trường xa họ đòi hỏi đi du lịch Việt Nam dài trên 15 ngày. Có nghĩa, họ vừa chi nhiều tiền vừa ở lâu. Điều đó sẽ có lợi cho Việt Nam, nhưng chúng ta lại áp dụng chính sách miễn thị thực trong vòng 15 ngày, đây là cản trở. Trong khi Luật Xuất nhập cảnh cho phép chúng ta có thể thực hiện miễn thị thực lên tới 30 ngày.
Việt Nam hiện vẫn đưa ra 2 mức. Chẳng hạn với khách du lịch Thái Lan, Singpore đến Việt Nam chỉ đi trong vòng 4, 5 ngày, Việt Nam lại miễn thị thực đến 30 ngày. Trong khi các nước ở xa có nhu cầu đi du lịch dài ngày, chi nhiều tiền thì chỉ miễn thị thực 15 ngày.
Có thể nói những điểm bất lợi này chính là những rào cản cần tháo gỡ trong bối cảnh lịch trình mở cửa du lịch quốc tế đã rất cận kề để tạo điều kiện cho DN phục hồi. Có thể nhìn nhận ngành du lịch còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để thu hút khách quốc tế trở lại và có thể phục hồi nhanh chóng.
PV: Theo đánh giá của ông, điều TAB và các DN mong ngóng và kiến nghị hiện nay là gì?
Ông Hoàng Nhân Chính:Cộng đồng DN du lịch mong ngóng và cần một công bố chính thức và rộng rãi về kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế nói chung và đặc biệt cho các thị trường du lịch trọng điểm. Do đó, cần tổ chức cuộc họp báo quốc tế hoặc các cuộc phỏng vấn với lần lượt các hãng thông tấn quan trọng của quốc tế theo hình thức trực tuyến nhằm cung cấp thông tin Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế. Nếu chỉ công bố với truyền thông trong nước là chưa đủ, phải truyền thông quốc tế để họ truyền thông nhanh nhất tới du khách.
Chúng ta cũng cần bảo đảm có trang web chính thức cung cấp tin tức cập nhật và chính xác nhất về du lịch Việt Nam. Cần có cổng thông tin điện tử bằng tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế, sử dụng các nền tảng giao tiếp, tương tác từ trang web để chúng ta sẵn sàng trả lời câu hỏi, tin nhắn từ các nhà báo, và khách quốc tế.
TAB đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt bao gồm lãnh đạo của các bộ, và các thành viên cấp cao trong ngành để họp bàn thường xuyên, để tránh phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, tránh việc giải quyết chậm trễ, ảnh hưởng đến DN.

Ngành du lịch còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ ngay để phục hồi sau đại dịch.
Những rào cản này chúng ta có thể tháo gỡ được ngay. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có quyết định công bố chính thức việc mở cửa ngày 15/3. Nếu thấy ngày 15/3 chưa "thuận" thì Chính phủ có thể đưa ra 1 ngày nào đó trong tháng 3 nhưng cần phải công bố sớm.
TAB mong muốn Bộ VHTTDL xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch và công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện.
TAB đã đề nghị kéo dài thời hạn tạm trú của công dân ở các nước Châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Úc tới Việt Nam du lịch lên đến 30 ngày miễn thị thực. Đồng thời mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, Newzeland, Canada, Thụy Sỹ... Đây là những nước có rất nhiều khách du lịch tới Việt Nam trong thời điểm trước COVID-19 và theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, những nước này chi tiền khá cao trong thời gian du lịch tại Việt Nam.
Các địa phương phải cùng thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128, tức là cùng một cấp độ về dịch thì phải có cùng quy định, không đưa ra quy định riêng của từng địa phương.
Cần có quy định, hướng dẫn về phòng chống và kiểm soát dịch, cần cập nhật thường xuyên và đăng tải trên các kênh chính thức, các cổng điện tử để các DN và tổ chức tham khảo và thực hiện.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho DN và người lao động nói chung và ngành du lịch nói riêng với việc giảm thiểu các thủ tục hành chính để giảm bớt khó khăn cho DN và người lao động.
Ngành tài chính - ngân hàng cần đưa ra giải pháp về chính sách tín dụng hỗ trợ miễn hoặc giảm lãi suất cho các DN du lịch trong và sau dịch bệnh, tạo điều kiện phù hợp với các DN để họ phục hồi hoạt động kinh doanh từ con số 0 sau cơn "bão" đại dịch.
TAB kiến nghị Chính phủ ưu tiên phát triển du lịch xanh và bền vững, tăng cường các biện pháp quản lý về tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, và sử dụng năng lượng tái tạo... để vừa giảm bớt chi phí trong du lịch, vừa đúng với xu hướng du lịch hậu COVID-19. Đây cũng là một cách để phát triển du lịch bền vững, lâu dài.
PV: TAB có khuyến nghị nào đối với các DN để mở cửa du lịch quốc tế thành công, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính:Du lịch là lĩnh vực dịch vụ nên yếu tố về nhân lực, lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Nhân lực du lịch quyết định chất lượng sản phẩm, dịch vụ. DN du lịch cần phải có kế hoạch giữ đội ngũ nhân lực nòng cốt, bởi sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhân sự nòng cốt có thể bỏ nghề. Các DN cần kiên trì giữ lại lực lượng này, vì sau này chính họ sẽ giúp cho việc đào tạo và đào tạo lại các nhân viên khi DN phục hồi. Kết quả khảo sát của TAB cho thấy nhiều DN thiếu nhân lực trầm trọng.
Thứ 2 về sản phẩm du lịch, các DN cần đánh giá lại các sản phẩm hiện có để điều chỉnh và xây dựng lại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Chẳng hạn, du lịch ngắn ngày, du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch an toàn, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm, thậm chí là du lịch liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Cần lưu ý xây dựng cả sản phẩm du lịch ngách để phục hồi sớm sau đại dịch.
Thứ 3, các DN cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chi phí để tiết kiệm, cũng như giúp giá thành sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh hơn. Phải sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới như kinh doanh trực tuyến hoặc liên kết kinh doanh với các đối tác mới. Đồng thời phải đưa ra chính sách linh hoạt cho khách hàng trong việc đặt chỗ, điều chỉnh giá... Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, DN có thể áp dụng chính sách hoãn, hủy để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Thứ 4, các DN cần phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ưu tiên chuyển đổi số trong việc đặt và bán dịch vụ cho khách hàng mua trực tuyến hoặc trực tiếp. Phải tiếp thị khách hàng theo hướng tiếp thị số thay vì theo cách tiếp thị truyền thống.
Chúng tôi hy vọng bằng nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch và chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, trong năm 2022 chúng ta sẽ đạt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng, đóng góp mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Chính phủ đề ra.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm