Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Hãy để thị trường quyết định
Ngân hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới DNNVV / Bà Diệp Thảo ra 'chỉ thị' đầu tiên khi quay về Trung Nguyên
Hội nghị giữa Thủ tướng với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra tới đây sẽ tập trung vào rà soát và đánh giá 2 năm nhiệm kỳ 2016-2020 về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ chỉ ra những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công cuộc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Thực tế cổ phần hóa DNNN hơn 2 năm qua cho thấy: Bộ phận doanh nghiệp này chỉ có thể mạnh khi để thị trường quyết định.
Doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể mạnh khi để thị trường quyết định. Ảnh: nhadautu.vn |
Có thể đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước thông qua thị trường chứng khoán. Nếu như những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Sabeco, Vinamilk hoặc Hapro sau khi cổ phần hóa có thể tìm được ngay đối tác chiến lược và bán hết cổ phiếu ngay phiên bán đấu giá lần đầu, thì nhiều cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước vẫn chịu cảnh “ế” bởi nhà đầu tư không thể yên tâm với những gì các doanh nghiệp này thể hiện trước khi cổ phần hóa.
Hay nói một cách khác, khi đã minh bạch hóa mọi vấn đề liên quan đến đất đai, giá trị và quyền sử dụng đất, thì giá trị của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả giá trị thương hiệu, sẽ rất thấp. Đó cũng chính là lý do mà theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá, nhưng mới chỉ có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bằng các nguồn vốn khác. Cùng với tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, thì cảnh “ế” cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước khiến cho việc thu hồi vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối trở nên rất khó khăn.
Làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước? Điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại chính là đặt doanh nghiệp Nhà nước ở một vị trí ngang bằng với các doanh nghiệp khác, thực hiện đúng mục tiêu tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Khi cùng một xuất phát điểm thì mới có thể xác định được độ mạnh/yếu thực sự của từng loại hình doanh nghiệp, từ đó lựa chọn cách xử lý phù hợp với từng doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện tái cơ cấu như: thoái vốn, cổ phần hóa, cho phá sản hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh.
Cùng với đó là một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư, bao gồm cả đầu tư vào những doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa. Về lý thuyết, minh bạch thông tin, đổi mới quản trị chính là hai yếu tố then chốt để doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập, nhưng đây lại là hai điểm yếu của khối doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, cần có sự thay đổi căn cơ, không chỉ tách bạch đất đai mà còn dứt hẳn những ưu đãi từ phía Nhà nước, đồng thời có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, tương xứng với những gì Chính phủ và người dân kỳ vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo