Ngành công nghiệp sáng tạo số châu Á thiếu vốn, chuyên gia lành nghề
Vinh danh 15 tác giả, tác phẩm tại giải thưởng Sáng tạo nội dung số 2023 / Giải thưởng Sáng tạo Nội dung số Việt Nam năm 2023: Vinh danh 15 cá nhân, đơn vị xuất sắc
Ngày 8/10, báo cáo của Ngân hàng ADB về “Các ngành công nghiệp sáng tạo số tại châu Á” nhận định, lĩnh vực sáng tạo số, công nghiệp giải trí và truyền thông (E&M) toàn cầu sẽ có mức trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung trong giai đoạn 2024-2028. Ngành công nghiệp E&M ở Ấn Độ và Indonesia dự kiến tăng trưởng nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngành công nghiệp sáng tạo có thể mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển trong khu vực châu Á để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, các ngành công nghiệp nghệ thuật và giải trí châu Á - Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 24,2 triệu người vào năm 2019, tương đương với 52% việc làm toàn cầu trong ngành.
Khi các ngành công nghiệp sáng tạo phát triển, nhu cầu về lao động chất lượng cao cũng tăng theo. Nghiên cứu của Boston Consulting Group cho biết Ấn Độ có tiềm năng tăng thị phần toàn cầu trong lĩnh vực hoạt hình và hiệu ứng hình ảnh (VFX) từ 10% lên 25% vào năm 2030. Điều này sẽ tạo ra 75.000-125.000 việc làm mới.
Lĩnh vực này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch của quốc gia. Bởi đây được xem là kênh quảng bá mạnh mẽ, thu hút du khách nước ngoài. Khảo sát của TripAdvisor cho thấy, 20% du khách toàn cầu đến thăm một điểm đến vì họ thấy điểm đến đó trong một chương trình truyền hình hoặc phim ảnh.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp sáng tạo tại khu vực châu Á đang gặp phải tình trạng thiếu hụt các chuyên gia lành nghề. Mặc dù trình độ kỹ năng của lực lượng lao động lĩnh vực sáng tạo tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đồng đều, toàn diện.
“Các dịch vụ phát trực tuyến quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng và tính chuyên nghiệp cao hơn so với những gì chúng ta từng thấy. Trình độ kỹ năng ở Thái Lan vẫn còn kém so với Hollywood, Châu Âu, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc", ông Aditya Assarat - Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Purin Pictures của Thái Lan chia sẻ.
Tại Việt Nam, nhu cầu sản xuất phim đang tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng. Báo cáo của ADB trích dẫn quan điểm của bà Trịnh Hằng - Tổng giám đốc điều hành Skyline Media Việt Nam: “Việt Nam vẫn thiếu nhân tài ở tất cả các vai trò sáng tạo và kỹ thuật quan trọng gồm biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, đội ngũ kỹ thuật…
Đối với mỗi vai trò, chúng tôi có rất ít lựa chọn về những chuyên gia ở một chuyên môn nào đó. Điều này khiến sự lựa chọn các nhà sản xuất trở nên khó khăn, vì những người có trình độ này rất được săn đón và thường không có sẵn".
Một rào cản khác là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Điều này hạn chế tiềm năng phát triển của các nhà sản xuất phim, nhà phát triển trò chơi và nhạc sĩ, ngay cả khi Internet tốc độ cao, nền tảng phát trực tuyến và thiết bị di động đã giúp họ tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn nhiều so với trước đây.
Chuyên gia Bruno Carrasco - Tổng Vụ trưởng Vụ Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của ADB khuyến nghị, các chính phủ và ngành công nghiệp cần xác định những kiến thức và kỹ năng thiết yếu cần có để thực hiện các vai trò sáng tạo khác nhau. Từ đó xây dựng hệ thống đào tạo bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng cho người lao động và cải thiện tiêu chuẩn làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Về nguồn vốn, các nước cần thiết lập thêm các phương thức cấp vốn như các khoản vay, bảo lãnh tín dụng, viện trợ không hoàn lại và tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm để biến những ý tưởng sáng tạo thành các dự án cụ thể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo