Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày pháp luật và chuyện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

(DNVN) – Cách đây đúng 5 năm, ngày 9-11-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (lúc bấy giờ) đã quyết định chọn ngày 9-11 làm Ngày pháp luật Việt Nam.

DKRA Việt Nam phân phối độc quyền dự án CitiAlto / Thiệt hại do phân bón giả mỗi năm khoảng 2,5 tỷ USD

Chuyện chọn ngày này không phải ngẫu nhiên mà có cái cớ. Đó là Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, tại Điều 8 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Một trong nhiều hội thảo về lập lại thị trường phân bón giả - thật, nhằm hướng tới sự tuân thủ pháp luật (ảnh TL)

Một trong nhiều hội thảo về lập lại thị trường phân bón giả - thật, nhằm hướng tới sự tuân thủ pháp luật (ảnh TL)

Từ đó đến nay, ngày pháp luật vừa tròn 5 năm, một quãng đường chưa dài. Ý thức “thượng tôn pháp luật cho mọi người” và doanh nghiệp vẫn chưa như mong muốn.

Theo các chuyên gia pháp luật, điểm yếu nhất của doanh nghiệp hiện nay là hiểu luật pháp chưa sâu và còn hạn hẹp. Việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm…

Đơn cử, cuối năm 2016, Đội Quản lý Thịtrường số 11 (huyện Ia Grai, Gia Lai) kiểm tra đột xuất Công ty Cổ phần Phát triển Rồng Đông Dương. Qua kiểm tra, Đội đã phát hiện 120 bao phân bón hữu cơ sinh học, loại 50 kg/bao, nhãn hiệu Danacomex (số 53, đường 29, phường Tạ Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh).

Thế nhưng thực tế số phân bón trên được pha trộn, đóng gói tại làng Bang 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, trụ sở của Công ty Cổ phần Phát triển Rồng Đông Dương). Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 1.700 bao bì cùng loại chưa sử dụng.

Công an kiểm tra vụ phân bón giả ở Gia Lai (ảnh TL)

Công an kiểm tra vụ phân bón giả ở Gia Lai (ảnh TL)

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ vi phạm về làm giả, làm nhái, đánh cắp mẫu mã sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Điểm yếu nhất của doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hiểu biết luật pháp chưa sâu và còn hạn hẹp. Việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật.

Từ mặt trái của cơ chế thị trường và vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, trong cộng đồng doanh nghiệp có những luồng ý kiến cho rằng tuân thủ pháp luật sẽ làm giảm lợi ích của doanh nghiệp.

Đây chính là vấn đề cốt lõi mà công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước phải đặc biệt lưu tâm. Mục đích nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và tuân thủ pháp luật.

Trong ngắn hạn, việc tuân thủ pháp luật có thể giảm lợi nhuận doanh nghiệp, chẳng hạn như nộp thuế đầy đủ, thực hiện các chế độ cho người lao động, đầu tư trang - thiết bị bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, về lâu dài, khi thể chế của nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, công tác thực thi pháp luật của Nhà nước ngày càng tiến bộ thì việc thiếu hiểu biết và không tuân thủ pháp luật sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng là việc tuân thủ pháp luật sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp. Hoạt động trong nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào chiều sâu, cạnh tranh và rủi ro đi cùng doanh nghiệp.

Vì vậy có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp nào am hiểu và tuân thủ pháp luật, xây dựng được văn hóa kinh doanh sẽ tiến xa, còn ngược lại nguy cơ bị đào thải luôn rình rập. Am hiểu và tuân thủ pháp luật có nghĩa là chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.

Hiện nay, nền kinh tế thị trường đã và đang tạo ra những mầm mống tiêu cực ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, vai trò của pháp luật cần được phát huy mạnh mẽ để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.

Qua đó từng bước xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng nhằm khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội để đưa vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để pháp luật thực sự đi vào đời sống kinh doanh cần có lộ trình và cách làm phù hợp.

Vĩnh Yên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm