Người Nhật mạnh tay mua cổ phiếu doanh nghiệp Việt ở mọi lĩnh vực
Sau ồn ào vụ kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương, công ty của đại gia Dũng 'Lò Vôi' làm ăn ra sao? / Bắt tay ĐHCN Sydney, Vingroup tham vọng thành tập đoàn công nghệ
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group, HOSE: PAN) gần đây đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa hơn 14,86 triệu cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Sojitz trong thời gian từ quý III đến quý IV năm nay. Giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT quyết định trên các cơ sở khác nhau và tình hình thị trường… nhưng không thấp hơn 55.000 đồng/cổ phần.
Là tập đoàn gồm 400 công ty con và công ty liên kết, Sojitz hiện hoạt động thương mại tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trên các lĩnh vực mua, bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ, đồng thời kết nối nhiều dự án tại Nhật Bản và các quốc gia khác. Do vậy, việc doanh nghiệp Nhật Bản này đầu tư vào The PAN Group được xem là một trong những thương vụ đáng chú ý nhất trong ngành nông nghiệp - thực phẩm Việt Nam năm nay, khi nhà đầu tư không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn có thể mở ra những cơ hội kinh doanh mới ở quy mô quốc tế cho cả đôi bên.
Hoa cúc là một trong những sản phẩm của The PAN Group được xuất khẩu.
Ở ngành nhựa, sau khi người Thái (The Nawaplastic Industries Co,. Ltd) buông tay CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) thì Sekisui Chemical Co,. Ltd – tập đoàn nhựa có trên 70 năm tuổi của Nhật Bản - đã mua vào hơn 15% vốn và trở thành cổ đông lớn, giao dịch hoàn tất vào 18/10/2017.
Trước đó, vào tháng 5/2017, Sekisui Chemical Co,. Ltd cũng đã trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Nhựa thiếu niên Tiền phong phía Nam khi mua hơn 7 triệu cp, tương đương 25,3% vốn điều lệ. Nhựa thiếu niên Tiền phong phía Nam là công ty liên kết của NTP đồng thời cũng có sở hữu 5,66% vốn NTP.
Ở ngành thép, CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) có sự hiện diện của nhà đầu tư Nhật Bản với vai trò đối tác chiến lược.
Hanwa Co., Ltd (Nhật Bản) đầu tư vào SMC từ năm 2012 với tỷ lệ sở hữu 5% và phải đến 2017 mới nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo SMC thì Hanwa có mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% nhưng SMC muốn bước đầu chỉ cho nhà đầu tư này nâng sở hữu lên 20%.
Bên cạnh đó, SMC còn cùng Hanwa thành lập Công ty TNHH liên doanh Ống thép Sendo xây dựng nhà máy Sendo sản xuất và cung cấp ống thép đen, ống thép hàn mạ kẽm, ống thép mạ kẽm nhúng nóng.
Quý II vừa qua, SMC Sendo vừa hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định giai đoạn 2 nhà máy sản xuất ống thép, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm. Không chỉ với Hanwa, SMC còn hợp tác với tập đoàn Nhật Bản khác gồm Summitomo và Toami để thành lập liên doanh SMC – Summit và Công ty SMC Toami.
Nhà máy SMC Sendo
Với VIS, Kyoei Steel Ltd. đến từ Nhật Bản mới xuất hiện vào cuối năm 2017 khi gom vào 14,76 triệu cp VIS, ứng tỷ lệ 20% vốn. Chưa đầy 1 năm, đối tác Nhật này đã lộ ý định thâu tóm và tính đến ngày 16/8 tỷ lệ sở hữu đạt 71,77% vốn (gần 53 triệu cp). Kyoei Steel cũng nhanh chóng đưa người vào HĐQT trong kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 10/7 vừa qua. Theo đó, ông Toshimasa Zako bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 và ông Satoshi Oda làm Thành viên HĐQT.
Ở lĩnh vực bất động sản, CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) có kế hoạch chào bán 2,4 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược, tương ứng 20% vốn. Ông Nguyễn Hữu Quang, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc công ty cho biết đối tác chiến lược là Sanei Architecture Planing đến từ Nhật Bản, nhà đầu tư này chính thức trở thành đối thác chiến lược của công ty từ tháng 2.
Ngoài ra, một nhà đầu tư cũng đến từ Nhật Bản khác là G-7 Holdings INC cũng đã mua 700.000 cổ phiếu NRC (5,83% vốn) và trở thành cổ đông lớn từ 18/5. Ông Quang chia sẻ G-7 có chủ trương xây dựng làng Nhật Bản và hệ thống nhà hàng ở Việt Nam.
CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cũng có rất nhiều dự án đầu tư với đối tác Nhật để phát triển quỹ đất. Ví như, Nam Long hợp tác cùng Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad phát triển nhiều dự án lớn như Flora Anh Đào, Mizuki Park, Fuji Residence và Kykio Residence. Nam Long cho biết hoạt động chuyển nhượng thực chất là chuyển nhượng phần đất hợp tác với đối tác Nhật vào các công ty liên doanh mà đối tác sở hữu 50% vốn góp.
Tại một hội thảo về bất động sản, ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh và Marketing của Nam Long - từng cho biết hợp tác với đối tác Nhật đã giúp công ty khép kín chuỗi giá trị của một nhà phát triển bất động sản, các khâu thiết kế, xây dựng đã được hỗ trợ rất nhiều giúp tiết kiệm chi phí.
Đồng thời, ở góc độ tài chính, nhờ hợp tác với đối tác Nhật, Nam Long còn có nguồn vốn ổn định để phát triển dự án và tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng trong quá trình mua nhà.
Thay vì phải thu của khách hàng 70% trong thời gian xây dựng (mức phổ biến trên thị trường), người mua nhà của Nam Long chỉ cần đóng khoảng 50% trong 18 tháng, giảm được gánh nặng tài chính ban đầu cũng như có thời gian tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.
Việc người Nhật rót vốn ngày càng nhiều qua hình thức mua cổ phần mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt trong việc huy động vốn. Đồng thời, nhà đầu tư Nhật vốn thận trọng và tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư nên việc chinh phục họ không phải đơn giản. Do đó, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt chinh phục được nhà đầu tư Nhật cũng thể hiện sự thay đổi về chất trong quản trị cũng như tiềm năng của doanh nghiệp Việt.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo Tổng cục thống kê, từ đầu năm đến 20/8, trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5,85 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 2,82 tỷ USD, chiếm 20,9%.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc