Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiệt điện Thăng Long: Hóa giải thách thức về nguồn vốn

Từ một vùng đất nhiễm mặn, cằn cỗi, hơn 3 năm sau ngày khởi công, một nhà máy điện lực bề thế, phủ bóng cây xanh đã được đầu tư, xây dựng bài bản với công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

TKV tiêu thụ 685.348 tấn Alumina trong 6 tháng đầu năm / Doanh nghiệp Trung Quốc huy động 500 triệu USD vốn từ Walmart và JD

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 2 x 300 MW với hai tổ máy số 1 và số 2. Đây là dự án nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân thực hiện.

Nhà máy áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với trái tim là lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Theo kế hoạch, ngày 16 - 20/5/2018, Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long chính thức phát điện thương mại lên hệ thống lưới điện quốc gia, Tổ máy số 2 sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2018. Như vậy, Tổ máy 2 dự kiến hoàn thành vượt tiến độ khoảng 2 tháng so với mục tiêu đặt ra, tiết kiệm cho chủ đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Có hai yếu tố được ông Nguyễn Chí Quyết, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long nhấn mạnh khi chia sẻ về nhà máy mới. Trước hết là về mặt công nghệ, với nhà máy điện đốt than, quan trọng nhất là hệ thống lò hơi.

Nhà máy sử dụng lò hơi công nghệ tầng sôi tuần hoàn với nhiệt độ đốt thấp từ 850 – 920 oC giúp hạn chế phát thải khí độc hại ra môi trường. Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được thiết kế đốt than cám xấu nhóm 6a, 6b, trước đây vốn ít được sử dụng tại Việt Nam và có giá thành thấp nhưng với công nghệ tiên tiến, nguồn than này lại đảm bảo hiệu quả tốt cho nhà máy.

“Với công nghệ lò hơi này, hiệu quả cháy cao hơn do than đốt chưa cháy hết được tuần hoàn đi tuần hoàn lại cho đến khi bị đốt kiệt, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Quyết giải thích.

Tập đoàn Geleximco đã có hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) cung cấp than suốt đời cho dự án. Như vậy, dự án sẽ sử dụng chủ yếu từ nguồn than trong nước nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chủ động được nguồn nhiên liệu quan trọng phục vụ nhà máy vận hành ổn định, lâu dài.

Bên cạnh công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, vấn đề môi trường được chủ đầu tư quan tâm đặc biệt. Nhà máy sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi từ 90 - 99%. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống xử lý các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu… toàn bộ hệ thống nước thải không xả ra môi trường vì được tái sử dụng hết. Khí thải, nước thải sau xử lý đều được lắp đặt thiết bị đo trực tuyến và truyền dẫn trực tiếp về Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ninh.

Một vấn đề được người dân sở tại và cơ quan chức năng quan tâm là việc xử lý tro xỉ thải. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại cho phép vận chuyển xỉ trong nhà máy ra bãi thải xỉ bằng hệ thống băng tải ống kín để tránh phát tán bụi ra môi trường. Ngoài ra, lòng hồ xỉ được trải hệ thống vải địa kỹ thuật và kèm theo hệ thống thu gom nước mưa để đưa nước mưa từ bãi thải về xử lý. Bãi thải xỉ của nhà máy rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3. Nước thải trong bãi được thu gom, đưa về hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đến nay, bãi thải xỉ đã được hoàn thiện một phần với diện tích 27 ha và có thể đưa vào sử dụng. Dự kiến, tháng 9/2018 sẽ hoàn thành toàn bộ bãi xỉ.

Dự án nhà máy nhiệt điện Thăng Long có tổng vốn đầu tư tới 19.000 tỷ đồng, khi đi vào triển khai đã có lúc tưởng như bế tắc về nguồn vốn

Đâu là bí quyết hoàn thành xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện có công nghệ hiện đại như vậy trước tiến độ? Ông Quyết chia sẻ, đó là tổng hòa của nhiều yếu tố, song có một điểm nổi bật là sự chủ động lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực và chủ động nguồn lực tài chính cung cấp cho dự án.

Dự án nhà máy nhiệt điện Thăng Long có tổng vốn đầu tư tới 19.000 tỷ đồng, khi đi vào triển khai đã có lúc tưởng như bế tắc về nguồn vốn. Ban đầu, chủ đầu tư đã mời các nhà thầu từ những nước phát triển như Pháp, Anh Mỹ…, nhưng không nhà thầu nào thu xếp được tài chính, mà đây là yêu cầu tiên quyết trong hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà tổng thầu. Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco sau đó đã đàm phán được với Công ty Công trình điện lực Khải Định (Trung Quốc), nhà thầu đã chứng minh được năng lực và có kinh nghiệm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê. Họ và Geleximco đã “bắt tay” giải bài toán nguồn vốn vay cho dự án, để từ đó công trình sớm đi vào triển khai.

Một dự án công nghiệp điện được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long còn là ví dụ cho thấy khi được tin và trao cho sự chủ động, các tập đoàn tư nhân Việt Nam có thể đầu tư những dự án lớn, với đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường, góp phần giải quyết những “điểm nghẽn” về đầu tư hạ tầng đang rất cấp thiết hiện nay.

Theo Báo đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm