Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều quy định mới của EU ảnh hưởng đến sản phẩm thế mạnh vùng Tây Nguyên

DNVN - Chiến lược "từ trang trại đến bàn ăn", cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), quy định về sản phẩm chống phá rừng EUDR là những quy định, chiến lược tiêu chuẩn mới của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến lĩnh vực có thế mạnh của địa bàn Tây Nguyên, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại vùng Tây Nguyên / VASEP: Doanh nghiệp băn khoăn bởi quy định "trộn lẫn nguyên liệu" trong Nghị định 37

Ông Nguyễn Việt San - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, tiềm năng xuất khẩu của vùng Tây Nguyên sang thị trường châu Âu, châu Mỹ trong thời gian qua rất tốt.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan về tình hình các sản phẩm phù hợp của Tây Nguyên sang khu vực châu Âu, châu Mỹ cho thấy, các mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ, cà phê, hạt điều trong năm 2023 có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng lớn trong 3 tháng đầu năm 2024.

Điều đó cho thấy tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường khu vực Âu Mỹ trong thời gian tới là rất lớn.

Trong đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang có với các đối tác tại thị trường Âu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu, đặc biệt khi sở hữu 16 FTA, trong đó có các hiệp định với các nước trong khu vực Âu - Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có hai hiệp định đang được đàm phán trong các khối thị trường Âu - Mỹ.

Nhu cầu của thị trường khu vực Âu - Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát có xu hướng giảm từ năm 2023 và có khả năng tiệm cận với mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương như ECB và FED đề ra trong năm 2024 là 2%.


Nhiều quy định của EU về phát triển bền vững ảnh hưởng đến sản phẩm thế mạnh của Tây Nguyên.

Một yếu tố thuận lợi khác nữa là việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá chuỗi cung ứng và đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, các nước Âu - Mỹ đẩy mạnh việc phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam.

"Tuy nhiên, làm sao để Tây Nguyên có chiến lược kinh doanh phù hợp, làm sao để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể tìm hiểu được những cơ hội, thách thức trong hoạt động xuất, nhập khẩu sang thị trường châu Âu – châu Mỹ là điều đáng lưu tâm", ông San nói.

Theo ông San, bên cạnh những thuận lợi, Tây Nguyên còn đối mặt nhiều thách thức. Đó là nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới đầy rủi ro, khó đoán định. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ được dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 của thế giới dự báo là 2,9%, thấp hơn so với dự báo là 3% trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn khu vực Âu - Mỹ 2024 không tăng đáng kể so với năm 2023.

Một yếu tố thách thức lớn nữa là xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài, bất ổn, tiếp tục lan ra các khu vực khác như xung đột Nga – Ukraine, Israel với Palestine và một số nước Hồi giáo.

Xu hướng xanh hoá và phát triển bền vững đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chính sách bảo hộ ngày một tăng. Việc các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến phát triển bền vững do lo ngại biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng tiếp tục là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới.

Một loạt những quy định liên quan đến chuỗi cung ứng nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe đối với các sản phẩm xuất khẩu được đưa ra.

Các sản phẩm thế mạnh của khu vực Tây Nguyên tập trung vào nông, lâm thổ sản nên cần chú ý đến những quy định mới này.

Vừa qua, EU đã thông qua một loạt các chiến lược mới ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông, lâm, thổ sản, trong đó có hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Tổng cộng có đến 10 chiến lược, tiêu chuẩn.

Trong đó, có 3 chiến lược tiêu chuẩn mới liên quan đến lĩnh vực có thế mạnh của địa bàn Tây Nguyên. Đó là chiến lược "từ trang trại đến bàn ăn". Chiến lược này quy định các hệ thống thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, EU phấn đấu giảm 50% thuốc trừ sâu hoá học, 20% phân bón, 50% thuốc kháng sinh sử dụng trong các mặt hàng nông, lâm, thổ sản.

Thứ hai là cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu vào EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại các nước sở tại.

Thứ ba là quy định về sản phẩm chống phá rừng EUDR. Quy định này được áp dụng vào tháng 1/2025, theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay rất cần sự tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý trong lĩnh vực kinh tế, thương mại của vùng Tây Nguyên, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong và ngoài vùng Tây Nguyên, cùng sự chung tay của Bộ Công Thương để cùng tìm ra giải pháp khả thi giúp hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên khởi sắc.

Đồng thời góp phần đưa vùng Tây Nguyên ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm