Doanh nghiệp sản xuất tinh dầu đối mặt nhiều thách thức
Khơi thông động lực tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển / Vấn nạn hàng giả hàng nhái khiến doanh nghiệp làm đẹp gặp khó
Tại toạ đàm "Quế và tinh dầu quế" do Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu và Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) và Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị tổ chức sáng ngày 25/4 tại Hà Nội, ông Ngô Đại Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VOCA cho biết, Việt Nam được xem như là mỏ “vàng xanh” của ngành công nghiệp chiết xuất tinh dầu. Trong số trên 5.000 loài cây làm thuốc tự nhiên, Việt Nam có hơn 700 loài cây chứa tinh dầu.
Hiện nay, việc người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng những hợp chất từ thiên nhiên. Theo đó, nhu cầu sử dụng tinh dầu của thế giới cũng như ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Đặc biệt là loại tinh dầu dùng trong liệu pháp hương thơm và công nghiệp mỹ phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều tinh dầu thành công như quế, hồi, tỏi, hồ tiêu... chiếm 1,16% về số lượng và 0,6% về giá trị thị phần tinh dầu toàn cầu.
Sao Thái Dương là một trong những doanh nghiệp mạnh trong ngành dược liệu, đã có những sản phẩm đưa ra thị trường rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cả trong giai đoạn COVID-19 và hậu đại dịch.
Theo TS Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dầu, Hương hiệu và Phụ gia thực phẩm (Viện Công nghệ thực phẩm Việt Nam), khi nhắc đến tinh dầu Việt Nam, người ta không thể không nhắc đền các loại tinh dầu như quế, hồi, gừng, tỏi, hồ tiêu... Những loại tinh dầu này đã và đang được xem là đặc sản Việt Nam.
Trong những năm 40 của thế kỷ 20, sản phẩm quế và hồi của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới cả về số lượng và chất lượng và được ứng dụng rộng rãi tạo ra nhiều sản phẩm giá trị trên toàn thế giới.
Tinh dầu gừng được chiết xuất từ giống gừng gié đặc sản với mùi thơm lai chanh hấp dẫn, được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới.
Tinh dầu tỏi được chiết xuất từ giống tỏi tươi đặc sản Hải Dương với mùi thơm đặc chưng hấp dẫn, được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới do có hàm lượng các hợp chất allicin và các hơp chất chứa lưu huỳnh.
"Những lợi thế này là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp tinh dầu và thúc đẩy sự đa dạng hoá kinh tế", Giám đốc Trung tâm Dầu, Hương hiệu và Phụ gia thực phẩm đánh giá.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, các doanh nghiệp sản xuất tinh dầu Việt Nam hiện còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện, nguồn nguyên liệu chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị chưa đồng bộ là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cạnh tranh với các quốc gia khác có sẵn các nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng phát triển, từ đó tạo áp lực lớn cho các chủ doanh Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường toàn cầu do yêu cầu về chất lượng, chuẩn mực. Doanh nghiệp cũng thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu và sự biến động của thời tiết có thể ảnh hưởng đến mùa màng và sản lượng của cây cỏ và hoa, gây ra sự không ổn định trong nguồn cung tinh dầu.
Từ thực trạng này, theo bà Ngọc, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ các vướng mắc cho ngành sản xuất tinh dầu để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng.
Về lâu dài, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí đầy đủ nhân sự tại các đơn vị sản xuất tinh dầu, đáp ứng tốt các quy định của Nhà nước để bảo đảm cho việc phát triển bền vững sản phẩm tinh dầu và các sản phẩm chế biến sâu từ tinh dầu...
End of content
Không có tin nào tiếp theo