Hỗ trợ doanh nghiệp

Những doanh nghiệp EPS 6 tháng cao nhất thị trường

SRA, WCS và VCF là 3 doanh nghiệp dẫn dầu, TV2 rơi xuống vị trí thứ 5 trong top doanh nghiệp có EPS 6 tháng cao nhất.

Hàng loạt lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước bị kiểm điểm / Chiếc lược K-Move của Hàn Quốc: Tập trung vốn "thâu tóm" doanh nghiệp Việt Nam thay vì rót FDI theo ngành

Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hầu hết đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên 2018. Mùa báo cáo vừa qua chứng kiến nhiều doanh nghiệp lãi lớn với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng như Vinhomes, VietcomBank,...

Tuy nhiên, xét về mức độ sinh lời trên vốn góp, những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ lại chiếm ưu thế và đứng đầu về chỉ số sinh lời EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong top 10, có đến 6 doanh nghiệp đến từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và 4 công ty niêm yết tại Sở GDCK TPHCM (HOSE).

Gọi tên Sara Việt Nam

CTCPSara Việt Nam(HNX: SRA) bất ngờ trở thành doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường với con số 14.393 đồng, bỏ xa các đơn vị phía sau.

Báo cáo tài chính bán niên của Sara ghi nhận doanh thu gấp 7,8 lần cùng kỳ đạt 54 tỷ; lãi ròng là 29,4 tỷ đồng, gấp 33 lần cùng kỳ năm trước. Đây là kỷ lục doanh thu và lợi nhuận của công ty từ năm 2006 đến nay.

Tuy vậy, do đề ra chỉ tiêu kinh doanh tham vọng gồm tổng doanh thu 225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 60 tỷ đồng cho năm 2018, Sara Việt Nam mới thực hiện 24% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lãi ròng.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng trên thì cổ phiếu SRA trên thị trường cũng được chú ý với mức tăng vài lần chỉ sau chục phiên giao dịch.

CTCP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) vẫn luôn duy trì là cổ phiếu có mức EPS cao hàng đầu trên thị trường chứng khoán. EPS 6 tháng của WCS đứng thứ 2 với 11.213 đồng.

Nửa đầu năm nay, WCS đạt doanh thu thuần 67,7 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Lợi nhuận sau thuế thu về 33,1 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi về tay Masan Consumer, CTCP VinaCafe Biên Hòa (HOSE: VCF) đã lọt top 3 doanh nghiệp có EPS nửa năm cao nhất với mức 11.112 đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, VCF ghi nhận LNST công ty mẹ đạt 295,3 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 32 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Hiện Masan Beverage (công ty con của Masan Consumer) là cổ đông lớn nhất nắm 98,49% vốn VCF. Tuy nhiên lợi nhuận của VCF lại đến từ việc cắt giảm chi phí bán hàng từ 230 tỷ cùng kỳ 2017 xuống 5 tỷ trong quý 2, trong khi doanh thu giảm. Theo lý giải của công ty, doanh thu Vinacafé hầu như đều đến từ giao dịch bán hàng hóa cho CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) gần 1.141 tỷ đồng, một số khác với các công ty liên quan như Công ty MTV Công nghiệp Masan hơn 10 tỷ đồng, Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo 120 tỷ đồng…

VCF cho biết lợi nhuận tăng mạnh nhờ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ ‘bán hàng hóa’ sang ‘xây dựng dựng thương hiệu’ và phân phối sản phẩm thông qua công ty mẹ của công ty mẹ CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer-MCH).Việc giao dịch đa số sản phẩm cho công ty mẹ và công ty thành viên giúp Vinacafé cắt được phần lớn chi phí, điều này phần nào lý giải cho việc chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Vinacafé từ đầu năm giảm mạnh.

Thêm một bất ngờ nữa là CTCP Tập đoàn COTANA (HNX: CSC) đã vươn lên vị trí thứ 4 khi đạt EPS 6 tháng 10.590 đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận đột biến nửa đầu năm của Cotana chủ yếu đến từ lợi nhuận từ hoạt động tài chính (tăng 85 tỷ) giúp lãi sau thuế tăng 53 tỷ so với cùng kỳ đạt 118 tỷ đồng.

Là quán quân EPS năm 2017 với 36.574 đồng, CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (HNX: TV2) đã rơi xuống vị trí thứ 5 bởi công ty đã hoàn tất phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi. Do vậy, EPS thấp hơn là điều không quá khó đoán.

Báo cáo tài chính quý II cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động hiệu quả dù doanh thu sụt giảm 12% nửa đầu năm. Lợi nhuận sau thuế của TV2 thu về 122 tỷ đồng, vẫn gấp 3,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2017.

Ngoài ra, những cái tên mới bất ngờ lọt top doanh nghiệp có EPS cao nhất 6 tháng như Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3), Du lịch – Thương mại Tây Ninh (HNX: TTT) hay những doanh nghiệp vẫn giữ vững phong độ cao như Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), Giống cây trồng Trung Ương (HOSE: NSC) và Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL).

Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Mã: NSC) công ty con thuộc tập đoàn PAN Group sau khi hợp nhất CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC) tăng vọt về doanh thu và lợi nhuận trong quý vừa qua.

Cụ thể, NSC đạt doanh thu thuần 483 tỷ đồng trong quý 2, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện rõ rệt, ở mức 34%. LNST hợp nhất quý 2 đạt 76,6 tỷ đồng, tăng 46% cùng kỳ, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 71,2 tỷ đồng. EPS quý II đạt tới 4.660 đồng. EPS 6 tháng đạt 7.456 đồng.

Trong quý II, NSC đã tăng sở hữu tại SSC từ 74,3% lên 94,7%.

EPS cao thường kèm cổ tức và thị giá cao

Việc ghi nhận lãi lớn giúp EPS của nhiều doanh nghiệp ở mức cao nhưng đi kèm với đó giá cổ phiếu cũng thuộc top cao hàng đầu thị trường. Điển hình có thể thấy như VCF có giá 169.700 đồng/cp hay CTD giá 153.000 đồng/cp, WCS 126.000 đồng/cp, NSC 112.000 đồng/cp hay TV2 giá 105.800 đồng/cp,… đây là rào cản để có thể sở hữu những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả này.

Sự đột biến trong lợi nhuận của SRA hat CSC mới là nhất thời, do vậy vẫn chưa được định giá cao. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng bắt đầu tăng theo kết quả kinh doanh vừa qua.

Một điều nữa cho việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu EPS cao là việc các doanh nghiệp này thường chia cổ tức rất cao, điển hình như VCF năm ngoái đã chia cổ tức 660% hay TV2 chia ở mức 110%... đây có thể xem như phần thưởng cho việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp này.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo