Hỗ trợ doanh nghiệp

Những “lầm tưởng” của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn vay

DNVN - “Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME) vừa tổng kết những bài học quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong tiếp cận tài chính, qua đó, đưa ra suy nghĩ “lầm tưởng” của doanh nghiệp trong hoạt động này.

Hỗ trợ cộng đồng DNNVV nhận thức thực sự đầy đủ về EVFTA / "Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng DNNVV trong sân chơi thương mại EVFTA"

Cụ thể, về hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp, doanh nghiệp “lầm tưởng” hồ sơ cung cấp cho ngân hàng chỉ gồm báo cáo tài chính, đăng ký kinh doanh là đủ. Bởi vậy, doanh nghiệp chỉ coi trọng xem xét các yếu tố hồ sơ đảm bảo quá trình quản trị, vận hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Trong khi, việc xác định loại hồ sơ cần cung cấp để chứng minh hoạt động tuân thủ quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp được các tổ chức tài chính thẩm định theo các tiêu chí sau liên quan đến hoạt động quản trị (điều lệ, quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, sơ đồ tổ chức, nội quy); hoạt động tài chính-kế toán, kiểm toán.

Thông qua việc cung cấp các hồ sơ trên, doanh nghiệp giới thiệu cho tổ chức tài chính cách thức quản trị, vận hành, quản lý của doanh nghiệp: đối với nội bộ đó là cách thức thành viên góp vốn, ban lãnh đạo ra quyết định; cơ cấu tổ chức trong mối quan hệ tác nghiệp.

Ngoài ra, hồ sơ tài chính được cung cấp kịp thời, đáp ứng đúng yêu cầu là yếu tố chứng minh tính minh bạch, trách nhiệm giải trình số liệu đối với các bên có liên quan, trong đó có tổ chức tài chính khi doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng.

Do đó, đối với các loại hồ sơ trên doanh nghiệp cần chuẩn bị một cách khoa học, lưu trữ đầy đủ, đảm bảo cung cấp chính xác, kịp thời khi có yêu cầu.

DNNVV khó tiếp cận vốn vay một phần từ những "lầm tưởng" trong việc khẳng định năng lực của mình.

Điều “nhầm tưởng” tiếp theo của DNNVV khi tiếp cận tài chính là nghĩ rằng, doanh nghiệp càng có tỷ lệ vốn của chủ sở hữu cao, tỷ lệ vốn đi vay ít càng tốt. Thực tế, vốn đi vay có thể làm tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp thường xem nhẹ yếu tố năng lực của người điều hành doanh nghiệp, quan hệ kinh doanh với các đối tác (yếu tố quan trọng để tổ chức tài chính thẩm định tín dụng).

Tổ chức tài chính ngoài việc phỏng vấn trực tiếp người điều hành doanh nghiệp để nắm bắt thông tin sản phẩm, dịch vụ, cách thức quản lý, vận hành thì sẽ điều tra thực địa, điều tra bên ngoài để có thông tin đầy đủ về trình độ kinh nghiệm, năng lực điều hành người đứng đầu doanh nghiệp qua từng giai đoạn, động cơ khởi nghiệp.

Hơn nữa, đối tác trong quan hệ kinh doanh cũng được xem xét trên các khía cạnh: Thời gian hoạt động, mức độ ổn định trong việc hợp tác (thời gian hợp tác, tiến độ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiến độ thanh toán, tranh chấp dân sự có hay không).

Từ năng lực điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp (khả năng thực hiện, khả năng quyết đoán, khả năng công nghệ về lĩnh vực sản xuất hoặc kinh doanh), tổ chức tín dụng đánh giá khả năng duy trì, phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi tiếp cận với nguồn vốn vay, DNNVV thường chứng minh khả năng tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp chủ yếu qua doanh thu và lợi nhuận.

Trong khi thực tế, doanh thu và lợi nhuận là yếu tố cần xem xét, tuy nhiên, dòng tiền mới là yếu tố quan trọng nhất mà ngân hàng và các tổ chức tài chính xem xét khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần chứng minh khả năng trả nợ của doanh nghiệp qua kế hoạch dòng tiền rõ ràng và khả thi. Dòng tiền và lợi nhuận không giống nhau. Về lâu dài, khi doanh nghiệp đã tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận và dòng tiền sẽ tạo nên dòng tiền vào.

Khi xét duyệt hồ sơ vay, ngân hàng và các tổ chức tài chính luôn yêu cầu thông tin về dòng tiền để hỗ trợ cho các khoản chi phí và cam kết trả nợ của doanh nghiệp. Dòng tiền thu vào càng mạnh càng chứng minh doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả đúng hạn và có khả năng quản lý các chi phí phát sinh ngoài dự kiến.

LinkSME cũng chỉ rõ các báo cáo tài chính của các DNNVV thường không đồng nhất, không được kiểm toán và độ tin cậy không cao. Điều này khiến việc thu thập thông tin về các DNNVV rất khó khăn và tốn kém.

Xu hướng “chuyển đổi số” trong các DNNVV đang diễn ra nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp sử dụng các công cụ kế toán trực tuyến để tối ưu quy trình chuẩn bị báo cáo tài chính. Điều này làm cho các báo cáo tài chính ngày càng được chuẩn hóa, mức độ công khai, minh bạch ngày càng cao hơn.

“Phác thảo rõ ràng mục đích vay vốn có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của việc vay vốn. Ngân hàng và các tổ chức tài chính thường giám sát chặt chẽ việc sử dụng đúng mục đích tiền vốn huy động của doanh nghiệp”, LinkSME lưu ý doanh nghiệp.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm