Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc: Chậm mở cửa, doanh nghiệp bị lỡ 20% cơ hội

DNVN - Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội do chúng ta mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Do đó, để hỗ trợ DN vượt khó, Chính phủ cần thực hiện giải pháp "5T".

Quảng Bình: Chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn vay nước ngoài / Kiên Giang: Kêu gọi đầu tư 55 dự án giai đoạn 2021 – 2025

DN mất khoảng 20% cơ hội do mở cửa chậm
Tại tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme), Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP tổ chức chiều 11/10, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế từ đầu tháng 10. Mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN để DN “thở” được.
"Các biện pháp mở cửa thị trường của chúng ta trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã kiểm soát được dịch COVID-19 thực sự là tín hiệu vui để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của các DN. Tất nhiên, sự trở lại này vẫn còn vô vàn khó khăn đi kèm", ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Dẫn chứng cho nhận định này, Chủ tịch VIAC cho biết, kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của DN đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng chuyển đi nơi khác.
"Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội", ông Lộc nói.
Từ giờ đến cuối năm 2021 chúng ta mất khá nhiều cơ hội về đơn hàng xuất khẩu. Nhưng chúng ta cũng kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. Bởi vì chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng DN.
Ông Lộc cũng nhắc đến hiện tượng nhiều lao động ở phía Nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các DN sản xuất phía Nam. Tuy nhiên, theo ông Lộc đây cũng là cơ hội để một lượng lớn người lao động “ly nông bất ly hương”, là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động.
Cần giải pháp 5T từ Chính phủ
Theo ông Lộc, việc DN tái sản xuất, tăng tốc kinh doanh trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay rất cần giải pháp "5T" từ chính phủ để hỗ trợ DN vượt khó.
Thứ nhất là “Trợ thở”,Thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.
Thứ hai là “Tiếp máu”,đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.
Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó khăn.
Đặc biệt, bây giờ yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là DN kinh doanh, nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Do đó, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.
Thứ ba là “Thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.
Thứ tư là cải cách “Thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế.
Thứ năm là “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.
Đối với các DN, nguyên Chủ tịch VCCI khuyến nghị, DN cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là xã hội hóa DN.
"Số hóa, xanh hóa và xã hội hóa là 3 việc rất quan trọng mà các DN phải xây dựng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của DN", ông Lộc nhấn mạnh.
Cuối tháng 9, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ "không COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID là rất đúng đắn, kịp thời. “Mở cửa” là mệnh lệnh của cuộc sống, chính là “thời gian vàng” để giải cứu doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, sức chống chịu của các doanh nghiệp và nền kinh tế ... đang tiến tới ngưỡng tới hạn và mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp của chúng ta đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư.
Tuy nhiên, mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Ngược lại, chính vì thấy đã an toàn và có cơ sở để duy trì cũng như nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên mới đặt vấn đề mở cửa.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm