Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát triển bền vững là "cơm áo gạo tiền" với doanh nghiệp

DNVN - Phát triển bền vững (PTBV) là sự lựa chọn của Chính phủ, và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong chinh phục thị trường. Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp phải luôn coi PTBV là điều cốt lõi, là thế mạnh và điểm nhấn để tiếp cận thị trường bởi PTBV không phải là vu vơ, mà chính là "cơm áo gạo tiền" đối với doanh nghiệp.

Tập đoàn Trường Tiền: Điểm sáng trong công tác thiện nguyện / Tăng cường phương tiện vận chuyển hạng sang phục vụ khách du thuyền

Những chia sẻ này đã được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (PTBV) vì lợi ích cộng đồng do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 11/12 tại Hà Nội.
Ông Phạm Việt Dũng - Tổng biên tập Tạp chí diện tử Doanh nhân Việt Nam khẳng định, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) PTBV gắn liền với cộng đồng, thúc đẩy các DN thực hiện mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận song hành với việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện thì hiện nay còn rất nhiều DN hiện chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự PTBV: chưa rõ mục tiêu kinh doanh của mình, hệ thống quản trị DN hiệu quả để giúp DN phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo, chưa xây dựng và duy trì văn hóa DN, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đi theo lối mòn.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến PTBV là nước, đất và không khí. Trước đây, khái niệm PTBV nghe xa xôi nhưng giờ nó đã trở nên thiết thực và gần gũi với đời sống của người dân, DN, và là sự sống còn của trái đất.
Ông đề cập tới câu chuyện gắn kết với xã hội, môi trường ở chỗ nào, động lực cho DN PTBV ở đâu. Ví dụ, các DNNVV có quy trình sản xuất tốt thì có được ưu đãi hay không? Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV với 17 mục tiêu PTBV. Câu hỏi đặt ra là 17 chỉ tiêu này có gắn với PTBV để người dân và DN được biết hay không? Bao nhiêu DN Việt Nam đã có quy trình xanh hay bao nhiêu DN vi phạm về ô nhiễm? Hiện nay cả VN chưa đến 100 công trình xanh/hàng vạn công trình nói chung. Điều này cho thấy rằng PTBV theo nghĩa rộng còn khảng cách vô cùng xa với. Thực tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhưng việc thực thi và hoạt động lồng ghép chưa hiệu quả.

Toàn cảnh diễn đàn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên quan trọng, nhưng Việt Nam cũng nhấn mạnh đến yêu cầu PTBV. Tuy vậy, các chính sách chưa đi kèm với nguồn lực và/hoặc hướng dẫn thực hiện kịp thời. Trong khi đó, nhận thức về yêu cầu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững còn bất cập. DN vẫn loay hoay với câu hỏi lựa chọn quy định bắt buộc áp dụng hay để doanh nghiệp tự nguyện? Ngoài ra, hệ thống thông tin cho giám sát, đánh giá còn chưa kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường.
Phải coi PTBV là cốt lõi
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về PTBV, ông Bjorn Savlid - Bí thư thứ hai, Trưởng đại diện Cơ quan Đầu tư Thương mại Thụy Điển cho biết, đã có những nghiên cứu minh chứng cho thấy đầu tư cho PTBV mang lại lợi ích. Cụ thể, kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, những công ty đầu tư cho PTBV mang lại kết quả kinh doanh cao gấp 2 lần so với những doanh nghiệp không đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời minh chứng rằng khi đầu tư cho PTBV sẽ mang lại lợi ích cho cả DN và xã hội bởi những mô hình của DN hướng đến PTBV sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
Theo ông Bjorn Savlid, việc thu hút sự tham gia của DN vào PTBV có ý nghĩa quan trọng. Sự kết hợp kiềng ba chân giữa Chính phủ, các trường ĐH và DN thực sự mang lại hiệu quả.
"Điều quan trọng là Chính phủ phải tác động như thế nào để ra hệ sinh thái về PTBV, theo đó tất cả mọi người có thể tham gia. Trong khi đó, DN, dù là quy mô nhỏ và dù hoạt động trong hay ngoài nước, đều phải luôn coi PTBV là điều cốt lõi, là thế mạnh và là điểm nhấn để tiếp cận thị trường", Trưởng đại diện Cơ quan Đầu tư Thương mại Thụy Điển chia sẻ.
Là người đau đáu và cũng là người thất vọng nhất về PTBV, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, PTBV là cách tiếp cận bao trùm và động chạm tới tất cả ngóc ngách cuộc sống, trong đó DN đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
"PTBV trong DN không phải là vu vơ, mà chính là "cơm áo gạo tiền" bởi PTBV làm tăng giá trị gia tăng, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nội dung kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những chủ đề chính của Hội nghị toàn quốc về PTBV năm 2018 và tiếp tục tại Hội nghị năm 2019", ông Nguyễn Quang Vinh phát biểu.
Theo đánh giá của Tổng thư ký VCCI, việc DN tham gia triển khai mô hình KTTH mang lại tác động tiêu cực. Theo đó, xây dựng và thực hiện các sáng kiến chung và riêng về KTTH; Triển khai các chương trình truyền thông về hoạt động phân loại rác và chống xả rác; Khuyến khích NTD phân loại và đổi bao bì lấy một khoản tiền thưởng nhỏ; Nỗ lực thu nhặt rác tại công sở và trường học.
Tuy nhiên, hực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển mô hình kinh tế này. Từ đó, ông Vinh kiến nghị đưa mô hình KTTH áp dụng rộng rãi trong cộng đồng DN Việt Nam. Ngoài ra, cần kiện toàn hệ thống chính sách; nâng cao nhận thức, tư vấn kiến thức cho đông đảo DN về việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang KTTH; đồng thời đầu tư cho nghiên cứu khoa học hỗ trợ KTTH.
Doanh nghiệp phải chủ động
Trên góc độ DN, ông Đỗ Mạnh Dũng - Phó TGĐ Công ty Schneider Electric Việt Nam nhấn mạnh đến hoạt động chuyển đổi trong DN để đảm bảo mục tiêu PTBV. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho DN như tăng 50% năng suất sản xuất, tăng 50% độ tin cậy và an toàn, nhưng vì sao các DN lại không tiến hành chuyển đổi số?
Ông Dũng đánh giá, có nhiều lý do của hiện tượng này, trong đó thách thức lớn nhất đến từ nội tại DN - từ tầm nhìn của lãnh đạo cho đến nhân viên. Vậy để chuyển đổi số thành công, DN phải làm gì?
Theo ông Dũng, đó là 3 yếu tố như kiềng ba chân: 1 là nhận thức của lãnh đạo DN - phải cam kết toàn diện về chuyển đổi số để tạo động lực cho nhân viên và người lao động, 2 là vấn đề đào tạo làm sao để lực lượng lao động được nâng cao trình độ về áp dụng công nghệ, và 3 là yếu tố truyền thông - bao gồm cả truyền thông bên trong và bên ngoài để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số.

Ông Đỗ Mạnh Dũng - Phó TGĐ Công ty Schneider Electric Việt Nam.
Đưa ra các kiến nghị để phát triển DN bền vững, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu các thực tiễn quốc tế tốt về trách nhiệm xã hội của DN để lồng ghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam; Đối thoại, tham vấn thực chất với doanh nghiệp về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng đến sự PTBV của DN; Dành các hỗ trợ phù hợp, không trái với cam kết quốc tế cho DN; Bảo đảm nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách đề ra;
Biểu dương, khích lệ các điển hình tốt + tránh tình trạng chính sách chỉ “gây khó” cho DN trong nước....
Đối với cộng đồng DN, ông Dương cho rằng, bản thân các DN phải nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về PTBV gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (phải làm rõ nhu cầu để yêu cầu Chính phủ/cơ quan nghiên cứu đáp ứng). Ngoài ra, DN cần chủ động cân nhắc, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, đặc biệt là các cam kết về xã hội, môi trường gắn với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). DN cũng cần tích cực đối thoại với các cơ quan chính phủ nhằm bảo đảm các chính sách đề ra phù hợp với yêu cầu phát triển của DN, đặc biệt là ở các lĩnh vực môi trường và lao động.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm