Hỗ trợ doanh nghiệp

Quả nhãn xuất đi Châu Âu: Doanh nghiệp vẫn còn loay hoay chuyện bảo quản

DNVN - Quả nhãn của Hưng Yên, Sơn La cũng như nhiều địa phương khác có cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính như Châu Âu. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn "đau đầu" với bài toán bảo quản để khi cập bến không bị hỏng.

Doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất thế nào khi dịch COVID-19 căng thẳng? / TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ"

Lúng túng chuyện bảo quản
Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, phong cách tiêu dùng của EU đối với các sản phẩm ngoại nhập rất dè dặt. Hiện chỉ có hai nước xuất khẩu nhãn sang EU là Thái Lan và Việt Nam, trong đó nhãn Thái Lan đã cung cấp cho hầu hết các siêu thị EU. Trong khi đó, lượng nhãn Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất khiêm tốn.

Doanh nghiệp chưa cóphương pháp bảo quản nhãn tối ưu để xuất khẩu đi xa.
Bà Phan Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Natifood Tây Bắc chia sẻ, mối quan tâm nhất hiện nay của DN là phương pháp bảo quản quả nhãn để xuất khẩu sang EU.
"Hiện chúng tôi vẫn đang loay hoay về phương pháp bảo quản quả nhãn tươi. Bảo quản như thế nào để được lâu khi vận chuyển đường biển, khi đó mới tăng được tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Vận chuyển bằng đường biển ít nhất cũng phải mất 35 - 40 ngày nếu thuận lợi, chưa kể thời gian vừa rồi bị tắc nghẽn thì có thể 7 - 8 tuần mới tới nơi, khi đó sản phẩm quả tươi rất rủi ro. Chủ yếu sản phẩm xuất khẩu quả tươi của DN hiện bằng đường bay nên chi phí rất cao trong mùa COVID-19", bà Thủy nói.
Theo ông Trần Ngọc Quân, hiện có 2 xu hướng đóng gói nhãn vào thị trường EU. Đó là đóng gói theo chùm bọc trong túi lưới và bảo quản trong hộp nhựa. Thời gian vừa qua, thị trường Pháp, Hà Lan và EU có nhập thử một số lô hàng nhãn Việt với hai hình thức đóng gói trên.
"Với việc đóng gói theo chùm và bọc trong túi lưới, về hình thức thì đẹp, phù hợp với thị yếu của người Việt Nam tại nước ngoài, nhưng khi tiếp cận thị trường EU thì sản phẩm trong các túi lưới này bị dập, hỏng rất nhiều, khó để loại ra những quả hỏng, thối trong túi. Ngoài ra, quả rụng khỏi cành rất nhiều nên tính thẩm mỹ không cao. Đối với quy cách đóng gói nhãn cắt bỏ cành rồi đóng hộp: cách tiếp cận này dễ dàng được người tiêu dùng EU chấp nhận hơn bởi vì bảo đảm khối lượng tịnh; đồng thời tránh cho quả nhãn bị va đập dẫn đến hỏng, và nếu có quả hỏng thì có thể dễ dàng lấy ra khỏi hộp", ông Quân nói.
Ông Quân cho rằng, hiện nhãn xuất khẩu sang EU bị dập, hỏng tương đối nhiều, thời gian bảo quản rất thấp. Trong khi đó, Thái Lan có thể bảo quản nhãn trong vòng 3 tháng kể từ khi đóng hàng ở Thái Lan cho tới khi bán ở thị trường EU, sản phẩm không bị hỏng nhiều. Tuy nhiên, Thái Lan dùng lượng thuốc bảo quản tương đối lớn nên người tiêu dùng nhận thấy rất rõ đây là sản phẩm dùng chất bảo quản khi vỏ quả nhãn không ôm vỏ, có một số mùi.
Trong khi đó, nhãn của Việt Nam được vận chuyển bằng đường hàng không nên đảm bảo độ tươi khi đến châu Âu. Tuy vậy, lưu ý khi bảo quản thì phải đảm bảo vỏ nhãn khô tuyệt đối. Sau khi rửa nên sấy khô rồi mới bảo quản vì đi đường dài, thay đổi khí hậu sản phẩm dễ bị hỏng.
"Nếu áp dụng hình thức vận chuyển bằng đường biển, thì công tác bảo quản cần phải đặc biệt lưu ý. Qua theo dõi sản phẩm nhãn đóng gói của Thái Lan, chúng tôi thấy quy cách đóng gói của Thái Lan cần học tập. Nếu đóng túi lưới sau đó xếp thẳng vào thùng xốp thì dễ bị hỏng vì độ thông thoáng không có. Kinh nghiệm của Thái Lan là xếp hai túi lưới vào một rổ hoặc sọt nhựa có nắp", ông Quân chia sẻ.

Thái Lan bảo quản nhãn tươi trong rổ nhựa.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quốc, đại diện Công ty Cổ phần Gimex Việt Nam cho biết, việc đóng nhãn trong hộp xốp là rất sai lầm vì nhiệt độ không bảo đảm, vỏ nhãn càng nhanh mềm gây hư hỏng. Nếu DN vận chuyển nhãn bằng đường biển hoặc đường hàng không thì vẫn phải đóng bằng túi lưới tùy theo yêu cầu của khách hàng nhưng nhất thiết phải đóng vào sọt nhựa để thoáng khí.
Cần sự hỗ trợ từ các nhà khoa học
Theo bà Phan Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Natifood Tây Bắc, là DN đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La nên Natifood rất tâm huyết đưa nông sản của tỉnh ra nhiều thị trường nhưng thực tế nhiều lúc DN cảm thấy rất đơn độc và bối rối với bài toán bảo quản.
"Thực sự chưa có cơ quan, tổ chức nào hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ hỗ trợ để DN có giải pháp tốt nhất trong khâu bảo quản. Tôi tin rằng, đây không chỉ là mong muốn của Natifood, mà nhiều DN khác cũng cần sự hỗ trợ này. Ngoài ra, tôi cũng rất hi vọng, Hưng Yên và Sơn La giúp DN kết nối với các vườn đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để XK sang các thị trường cao cấp", bà Thủy kiến nghị.
Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc, Đại diện Công ty XNK LTP Import Export B.V - Hà Lan cho rằng, việc đóng gói vào sọt nhựa như Thái Lan không hẳn là yếu tố duy nhất bảo đảm chất lượng mà theo ông nằm ở khâu chế biến. Lô hàng xuất khẩu thử sang Hà Lan vừa rồi là bài học quý giá cho các DN sản xuất và xuất khẩu nhãn sang châu Âu.
"Khâu quan trọng là khâu sơ chế và dư lượng chất bảo quản được EU cho phép. Hi vọng các kỹ sư nông nghiệp Việt Nam có thể hỗ trợ vấn đề này cho việc bảo quản nhãn và vải để xuất khẩu sang nhiều nước ở EU", ông Hiển đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quốc nhấn mạnh đến việc lai tạo giống để cho ra giống nhãn vỏ dày, cơm dày dễ dàng cho bảo quản, để xuất khẩu được nhiều hơn tới các thị trường ở xa trong tương lai.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm