Hỗ trợ doanh nghiệp

Quốc gia số: Đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, cho rằng, Việt Nam phải sớm cải thiện nhiều các chỉ số để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Ngày 29/6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Quốc gia số: Đòn bay chính sách cho đầu tư và tăng trưởng" với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các hiệp hội ngành hàng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế hiện nay của Việt Nam đang phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; nhất là trước sức ép to lớn từ xu hướng hội nhập quốc tế.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN


Toàn cầu đang số hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó, hệ thống thể chế pháp luật liên quan tới các chính sách kinh tế ở Việt Nam còn thiếu ổn định, không nhất quán và còn nhiều vướng mắc đối với doanh nghiệp. Để có thể trở thành một quốc gia số trong tương lai, Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội mà nền kinh tế số mang lại.

Hội thảo lần này chính là nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu của Công ty AlphaBeta về quốc gia số, các thông điệp và bài học chính sách cho các nhà hoạch định chính sách; đồng thời tăng cường trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan tới kinh tế số và kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

Theo Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta Singapore, ông Konstantin Matthies, nền kinh tế số đang và sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. Điểm lại tình hình, báo cáo của AlphaBeta cho thấy, năm 2014, hơn 7% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tại các thị trường ứng dụng lớn nhất châu Á đến từ Việt Nam.

Năm 2015, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước đạt 500 triệu đô la Mỹ (USD). Số lượng điện thọai thông minh tại Việt Nam ước tăng từ 28 triệu lên 38 triệu vào năm 2020. Giai đoạn 2015 - 2020, GDP có thể tăng thêm 5 tỷ USD do sự tăng trưởng của thị trường internet di động.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự chủ động thúc đẩy nền kinh tế số. Việt Nam cũng chưa thực sự giữ chân và khuyến khích công ty đa quốc gia, chưa thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới. Mức hiện diện nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn 2016 - 2017 của Việt Nam xếp hạng 10/11 nước; số công ty công nghệ khởi nghiệp trên triệu dân của Việt Nam xếp hạng 8/11 (theo thẻ điểm Quốc gia số của AlphaBeta)…

Khuyến nghị cho Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, cho rằng, Việt Nam phải sớm cải thiện nhiều các chỉ số để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Theo đó, cần dịch chuyển từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng để cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động. “Cần tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp. Đặc biệt, phải bảo đảm tính thống nhất của các chính sách thuế, bởi, điều này được đánh giá quan trọng hơn mức thuế”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) khẳng định, kinh tế số đã thực sự trở thành mối quan tâm to lớn của cácdoanh nghiệp; nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ thực sự mong muốn được tiếp cận và hiểu sâu hơn, kỹ càng hơn về việc cần phải làm gì, đổi mới và nâng cao trình độ quản lý thế nào để đáp ứng yêu cầu của xu hướng phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn rất hoang mang và dò dẫm trong việc tìm kiếm lối đi trong bối cảnh kinh tế số đã hiện diện và ngày càng chứng tỏ sức ảnh hưởng và tác động to lớn như hiện nay. Đó thực sự là điều khó khăn .

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thêm những thông tin cụ thể, những kiến thức sâu rộng và phổ quát hơn về nền kinh tế số; cập nhật thông tin thị trường hoặc các xu hướng đầu tư...chứ không chỉ là những thông tin chung chung, khái quát.... Đáp ứng được những yêu cầu ấy, vì chủ trương phát triển nền kinh tế số hay chủ trương trở thành một quốc gia số trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam mới thực sự đem lại hiệu quả và phát huy trong đời sống thực tiễn.
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo