Hỗ trợ doanh nghiệp

Sức hấp dẫn của thị trường nước sạch

Những dòng vốn tư nhân đang 'cuồn cuộn' đổ vào ngành nước sạch hưởng ứng chính sách xã hội hóa gần đây của Nhà nước. Các dòng tiền nghìn tỷ này đang phân chia miếng bánh béo bở trong ngành nước sạch.

Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị Việt Nam đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4-9,6 triệu m3/ngày.

Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác vào khoảng 3,3 tỷ USD; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cần đến 6,9 tỷ USD.

Thu thu nhà đầu tư

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (DN) ngành nước đang có biên lợi nhuận gộp khá hấp dẫn, ở mức trên dưới 30-40%. Chẳng hạn, CTCP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với doanh thu tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 641,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 243 tỷ đồng, tăng 10%.

Ngoài Biwase, nhiều DN ngành nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 100% về lợi nhuận trong khi doanh thu chỉ ghi nhận dưới 10% trong kỳ vừa qua như: Cấp nước Bến Thành (BTW), Cấp nước Vĩnh Long (VLW), Cấp nước Hà Tĩnh (HTW), Cấp nước Thanh Hóa (THN)…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong tương lai, tiềm năng phát triển của ngành sản xuất và kinh doanh nước sạch là rất lớn. Hiện nay, nhiều địa phương khuyến khích hoạt động đầu tư vào ngành nước. Chẳng hạn như Hà Nội dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 2 triệu m3/ ngày. Mục tiêu về nước sạch đến năm 2020 phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%, Tp.Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư, các DN tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.

Triển vọng hấp dẫn của ngành kinh doanh nước sạch đã và đang thu hút khá nhiều DN trong nước và nước ngoài đã tham gia đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp vào lĩnh vực này.

Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đầu tư trên 50% vốn Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), hay CTCP Cơ điện lạnh (REE) nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Cấp thoát nước Khánh Hòa lên 45,85%….

Thị trường nước sạch Việt Nam với tiềm năng lớn cũng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia nước ngoài. Hiện, nhiều DN ngoại đã đầu tư lớn vào ngành nước sạch.

Mới đây, CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman là liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang; công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) đã đầu tư vào CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn… Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng sở hữu tại hàng loạt công ty ngành nước.

Thị trường nước sạch hấp dẫn vốn đầu tư của DN trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của các DN sản xuất và kinh doanh nước sạch, vốn đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, song không phải sẽ được “hái quả” ngay. Các nhà đầu tư phải xem như đang đặt nền móng dài hạn.Đặt nền móng dài hạn.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM, chia sẻ: nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ, đầu ra không thiếu. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định, nếu DN xác định đầu tư lâu dài.

Tuy nhiên, trong ngành cấp nước, ẩn số lớn mà nhà đầu tư đang trong quá trình nghiên cứu là giá thành và thất thoát. Hai ẩn số này tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của DN.

Còn theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water), thống kê sau hơn 2 năm đầu tư các giải pháp cấp nước, tổng số vốn bỏ ra đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng người sử dụng nước còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Điều đáng nói là trong số hơn 70.000 đồng hồ nước lắp đặt đến tận nhà dân thì có đến 36.000 đồng hồ không sử dụng nước liên tục trong 6 tháng, chiếm tỷ lệ 51%.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể gặp những rủi ro khác như khi bỏ vốn để phát triển mạng lưới ống nước nhưng không có người sử dụng, đặt nhà máy nước ở vùng ngập mặn, khu công nghiệp…

Đã có trường hợp một công ty tư nhân đầu tư nhà máy nước có quy mô lớn ở một địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến khi dự án hoàn thành thì việc đấu nối vào hệ thống phân phối của DN cấp nước địa phương xảy ra trục trặc, thậm chí giá bao tiêu từ phía DN địa phương khá thấp so với cam kết ban đầu. Đây là lý do khiến nhà máy chậm vận hành và nhà đầu tư phải chịu thiệt.

Để giảm thiểu rủi ro, đại diện REE khuyến cáo nhà đầu tư nên mua cổ phần ở các công ty sản xuất nước sạch đã hoạt động ổn định và đã được quy hoạch vùng nước an toàn; đầu tư vào công ty có mạng lưới hạ tầng nước bán đến từng hộ gia đình để tăng doanh thu và lợi nhuận.

Thực tế cho thấy các nhà đầu tư hiện nay chủ yếu hướng đến các công ty hoạt động ở vùng ven thành phố hoặc các tỉnh – nơi mà đường ống dẫn nước mới xây dựng, dễ kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước.

Theo Thanh Hoa/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo