Hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Sự “hồi sinh” của nhiều đại dự án ngành Công Thương cho thấy bức tranh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không chỉ toàn gam màu trầm. Tuy nhiên cần nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỒNG LONG, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý vẫn tắc và đây là nguyên nhân khiến công tác cổ phần hoá diễn ra chậm, thưa ông?

p/Theo kế hoạch trong năm 2018, 85 DNNN phải hoàn thành cổ phần hóa, trong đó,64 doanh nghiệp của năm 2018, còn 21 doanh nghiệp là từ năm 2017 chuyển sang. (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đã bắt đầu có lãi. Ảnh: TL)

Theo kế hoạch trong năm 2018, 85 DNNN phải hoàn thành cổ phần hóa, trong đó,64 doanh nghiệp của năm 2018, còn 21 doanh nghiệp là từ năm 2017 chuyển sang. (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đã bắt đầu có lãi). Ảnh: TL

Hiện Chính phủ đã xây dựng hành lang pháp lý để tiến trình cổ phần hóa được “nhanh” và bớt “nguy hiểm” hơn. Cụ thể, với Nghị định 126/2017/NĐ-CP, một là, điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

Hai là, về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Nghị định quy định, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng.

Ba là, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Bốn là, quy định rõ việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa không điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả xác định lại…

 

Còn với Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, một trong những sửa đổi quan trọng là về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

Hiện Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126, các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32 đang được xây dựng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sự chưa nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nhưng đây là các quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn, quy định thời gian triển khai dài hơn, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước nên cần nhiều thời gian để triển khai, thực hiện.

Như ông phân tích, quản lý và sử dụng đất đai cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến công tác cổ phần hoá DNNN diễn ra chậm?

Đúng vậy, tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu vấn đề đất đai là một trong những nội dung khi cổ phần hóa phải quan tâm.

 

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản với thời hạn cụ thể yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Vậy theo ông giải pháp hiện thực mục tiêu cổ phần hoá DNNN năm 2018 cũng như định vị lại DNNN là gì?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổ chức các đoàn công tác thường xuyên, trực tiếp đôn đốc tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018.

UBND Hà Nội, UBND TP HCM quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn theo đúng quy định.

Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo dõi sát tình hình trực tiếp làm việc với một số đơn vị trọng điểm để đôn đốc, đề xuất với Phó Thủ tướng kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 6 tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo