Thay vì bị động ngồi chờ "giải cứu", doanh nghiệp muốn được đồng hành tham gia tư vấn hoạch định chính sách
DNVN - Một trong những nguyện vọng của doanh nghiệp hiện nay là được đồng hành, tham gia vào việc quản lý an toàn trong bối cảnh dịch bệnh cùng cơ quan Nhà nước thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý, cần giải cứu hoặc đối tượng nhận sự hỗ trợ.
Bình Dương: Lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh / Phấn đấu 5 năm tới có 70 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD
Phải chứng minh bằng cả tập hồ sơ mới được hỗ trợ
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua và mức độ ngày càng phức tạp nên sức chống chịu của DN đang đến giới hạn. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giúp DN có thêm sức đề kháng cũng như nguồn lực để hồi phục và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đáng chú ý là các chính sách về giãn, hoãn tiền thuế, chính sách hỗ trợ về tín dụng. Và mới đây nhất, Chính phủ đã trình UBTVQH xem xét, ban hành gói miễn, giảm thuế lên tới 21,3 nghìn tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp các DN có thêm nguồn tài chính để khắc phục khó khăn và duy trì hoạt động. Đây là động lực giúp DN vượt khó.
Tuy nhiên, tại diễn đàn chính sách trực tuyến "Hỗ trợ Doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại khi DN áp dụng các chính sách thuế, tín dụng.
Theo bà Thủy, tồn tại thứ nhất liên quan đến câu chuyện DN hiểu chính sách. Các quy định hiện không dễ để người dân, DN đọc là hiểu ngay. Với mặt bằng hiểu biết về pháp luật và chính sách khác nhau nên câu chuyện đầu tiên người dân và DN thường gặp phải là tìm hiểu và tiếp cận chính sách. Thời gian qua, nhiều chính sách được đưa ra nhưng cứ đến khâu chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, trao đổi trực tiếp với công chức các cấp thì phát sinh những bất cập.
"Có vô vàn than phiền của DN liên quan đến quy trình, thủ tục thiết kế không thuận lợi trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, những thủ tục liên quan đến thuế, phí, lệ phí, cả những thủ tục trong khối ngân hàng, hồ sơ, giấy tờ được DN phản ánh là còn rất phức tạp", Giám đốc Văn phòng Ban IV nêu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Năm 2020, nhiều DN phản ánh về yêu cầu điều kiện trong việc tiếp cận chính sách còn quá phức tạp, dẫn đến kết quả thụ hưởng chính sách không cao. Năm 2021, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận thấy đã có nhiều cải thiện nhưng cách truyền đạt chính sách, cách hướng dẫn người dân và DN để đáp ứng được những điều kiện đó chưa thực sự nhiệt tình. Những phản hồi mà đơn vị này nhận được từ DN là các cán bộ công chức, những người có trách nhiệm tương tác với người dân, DN còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ.
Cũng theo bà Thủy, một vấn đề nữa rất đáng quan tâm từ phía DN là bài toán thực tiễn. Đôi khi DN so sánh thời gian, công sức DN bỏ ra và khoản tiền hỗ trợ họ nhận được để xem có đáng làm thủ tục để nhận hỗ trợ hay không.
"Có những quy trình, thủ tục làm rất mất công sức và DN phải chứng minh, thậm chí phải chứng minh bằng cả tập hồ sơ nhưng ngân sách hỗ trợ nhận được lại quá nhỏ, nên cuối cùng DN lại từ bỏ. Thực tế là dòng tiền vào thì ít, dòng tiền chi ra thì liên tục tăng. Do đó, DN cho rằng nhận được đồng tiền hỗ trợ nào của Nhà nước thì tốt ngần ấy, dù nhiều dù ít đều tốt. Tất cả các chính sách về mặt tài khóa, tiền tệ đều là phao cứu sinh cho cộng đồng DN", bà Thủy nói.
Cần mời DN tham gia tư vấn hoạch định chính sách
Theo đánh giá của Giám đốc Văn phòng Ban IV, thời gian qua, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan thuế, phí và những khoản tiền phải nộp. Tuy vậy, giữa kỳ vọng của DN với những chính sách do Nhà nước thiết kế còn có những khoảng cách nhất định.
"Thực ra ngân sách Nhà nước còn rất nhiều áp lực, không thể có những quyết sách quá mạnh như cộng đồng DN kỳ vọng và chính sách lại áp dụng cho số đông, chưa có chính sách đi vào nhóm quá chuyên sâu, đặc thù. Thay vào đó, cơ quan Nhà nước áp dụng cho tất cả những đối tượng chịu ảnh hưởng. Nguồn lực thì vừa phải và phải san đều nên tất nhiên mức độ DN nhận được hỗ trợ từ NN còn có những hạn chế nhất định", bà Thủy cho biết.
Đối với chính sách liên quan đến ngân hàng, bà Thủy cho hay, thời gian qua dù đã có Thông tư nhưng các DN phản ánh quá trình triển khai thực hiện ở các ngân hàng chưa đồng nhất. Việc DN tiếp cận để nhận được hỗ trợ từ khối ngân hàng còn có những khoảng cách. Ngay cả khi Thông tư 01 đã được sửa đổi nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai.
Trong khi đó, nguyện vọng lớn nhất của DN là được hoạt động.
"Tài chính, dòng tiền như máu của DN. Tất cả mọi sự hỗ trợ dù rất đáng quý như tôi đã nói ở trên nhưng nếu nói rằng hỗ trợ để vực dậy hoạt động của DN thì chưa đủ bởi vì nguồn lực chung hạn hẹn", bà Thủy chia sẻ.
Dù cho rằng bản thân ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực, không phải cứ Nhà nước "quyết" là ngân hàng triển khai được luôn, nhưng bà Thủy khẳng định tới đây ngân hàng vẫn có cách để gia tăng hiệu quả hỗ trợ DN.
"Đặc biệt là cách thức như ngành thuế đã làm, đối thoại gần với DN để cải thiện năng lực tiếp cận vốn của DN, giúp DN đáp ứng tốt nhất các điều kiện của ngân hàng. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới ngân hàng cải thiện vấn đề này", bà Thủy gợi ý.
Cũng theo bà Thủy, nguyện vọng thứ 2 của DN là được cơ quan quản lý Nhà nước đặt họ vào bài toán cùng quản lý tính an toàn, rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý hoặc đối tượng nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, được giải cứu, tức là DN ở vai bị động.
Trong gần 2 năm, cách thiết kế của chúng ta luôn đặt DN ở vai "bị, được, phải", tức là không có tính chủ động và sẵn sàng của cộng đồng DN. Trong khi đó, thực tế, suy cho cùng DN là chủ thể chính thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra.
Do đó, bà Thủy kiến nghị, trong tiến trình hoạch định chính sách tới đây, thay vì chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia làm việc với nhau, DN cần được mời tham gia tư vấn nhiều hơn. Các cơ quan đầu mối như Bộ Tài chính, NHNN, các bộ chuyên ngành... phải ngồi riêng với từng nhóm DN để đánh giá dư địa phục hồi ra sao, mức độ ảnh hưởng như thế nào, những chính sách nào thực sự hiệu quả trong ngắn hạn, trung hạn và đạt mục tiêu gì?
Đối thoại công - tư cũng được bà Thủy lưu tâm cần đi vào thực chất hơn nữa. Cơ quan đầu mối không chỉ nghe DN "than khóc", mà cần chủ động đánh giá khó khăn của DN để xem hiệu ứng, hiệu quả như thế nào, có nội dung nào cần điều chỉnh hay không.
"Tôi nghĩ những cơ chế này vô cùng cần thiết trong giai đoạn tới và đấy là sự mong mỏi của DN và thể hiện sự tôn trọng DN, đồng thời cho phép họ thể hiện tâm, trí, lực để đồng hành cùng cơ quan Nhà nước...", bà Thủy bày tỏ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Cột tin quảng cáo