Hỗ trợ doanh nghiệp

Phấn đấu 5 năm tới có 70 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD

DNVN - Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để hướng tới mục tiêu 5 năm tới có khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 70 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD.

Cần Thơ ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch / Doanh nghiệp quy mô lớn phía Nam đang rất cần hỗ trợ

Mục tiêu hỗ trợ trung và dài hạn giúp doanh nghiệp bứt phá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Mặc dù, các doanh nghiệp đã và đang rất nỗ lực vượt khó, tuy nhiên khó khăn và thách thức ngày càng thêm chồng chất, bộn bề do những hạn chế nội tại cố hữu của khu vực doanh nghiệp, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời.

Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết quan trọng này.

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá - Ảnh minh họa

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá - Ảnh minh họa

8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã đề ra một số nội dung, mục tiêu chủ yếu như sau:

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và lớn mạnh về quy mô.

Phấn đấu đến năm 2025, đạt được một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Lũy kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025; khoảng 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD; khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD; khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số, trong đó 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

 

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm:

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ giải pháp về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Trong giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục giải quyết các vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Thứ hai, nhóm về kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Nhóm kích cầu nội địa đặc biệt trong mua sắm công ưu tiên, hoặc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội được trúng thầu mà không vi phạm các điều ước thương mại quốc tế.

Thứ ba, nhóm về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi COVID-19.

Thứ tư, nhóm về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

 

Đối với nhóm này, ưu tiên các sản phẩm chuyển đổi số của các doanh nghiệp số trong nước bằng cách hỗ trợ cả 2 bên để có sản phẩm giá rẻ, giúp doanh nghiêp nhỏ và vừa tiếp cận sớm các sản phẩm chuyển đổi số.

Thứ năm, nhóm về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Bởi vậy, các vấn đề về tay nghề và chất lượng của lực lao động cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phải kết hợp hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng nghề, với sự tham gia của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Định hướng cho sinh viên từ ghế nhà trường tiếp cận sớm với doanh nghiệp và cử người lao động của doanh nghiệp tham gia đào tạo ngắn hạn ở các trường. Chính sách hỗ trợ phụ cấp tài chính cho quỹ đào tạo của trường và doanh nghiệp cùng đóng góp và bổ sung từ nguồn xã hội hoá.

Thứ sáu, nhóm về tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị trong và ngoài nước, tiến tới có thể dẫn dắt, tự chủ được chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, trong giai đoạn 2021-2025.

 

Trong đó, việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI phải được thực hiện đồng bộ bằng chính sách khuyến khích và ràng buộc với các doanh nghiệp FDI ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam và có chính sách tạo điều kiện về thuế, về vốn vay cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng đó.

Thứ bảy, nhóm về hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ tám, nhóm về nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhóm này cần sự khuyến khích hợp tác giữa công và tư, hỗ trợ công nghệ vốn quản trị cho các doanh nghiệp tham gia các dự án lớn.

Ví dụ, khi Viettel làm các dự án lớn thì nên hợp tác với các đơn vị tư nhân để tạo thêm thế mạnh cùng tiến nhanh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thật nhanh, thủ tục gọn, minh bạch để doanh nghiệp sớm có dòng tiền quay vòng sản xuất kinh doanh.

 

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện các nhóm giải pháp trên.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm