Hỗ trợ doanh nghiệp

Thị trường thực phẩm chức năng: Doanh nghiệp loay hoay với GMP

Vấn đề doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức loay hoay với GMP đã được đề cập tại Hội thảo:“Thị trường TPCN: Thực trạng và giải pháp phát triển” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm 26/9 vừa qua.

9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% / Sếp Petrolimex: Xin mở đường vào cây xăng phải mất nửa năm

Có đến 3/4 trong số hơn 4.000 DN đang tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) không đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong khi mốc 1/7/2019 theo quy định của Nghị định 15/2018/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm đang đến gần….

Phát triển “thần tốc”

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF), nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 DN tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.

“Khi có dịp sang Mỹ, tôi đã thấy nhiều loại TPCN được bày bán trong siêu thị từ nhiều năm trước, các sản phẩm này sau đó được đưa về Việt Nam theo đường xách tay. Bắt đầu từ năm 2000 đã có một DN Việt Nam nhập khẩu. Đến nay thì Việt Nam đã phát triển nhanh chóng hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN…”- TS Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng Thư ký VAFF nhớ lại.

Để đạt GMP, DN cần bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy trong khi các DN sản xuất kinh doanh TPCN chủ yếu là DN nhỏ và vừa

Để đạt GMP, DN cần bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy trong khi các DN sản xuất kinh doanh TPCN chủ yếu là DN nhỏ và vừa

Ông cho biết, ở Nhật Bản, mỗi năm người dân nước này chi 200 tỷ USD cho các TPCN có nguồn gốc từ tảo, rong biển, cá tươi và được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh điều đó tỷ lệ thuận với tuổi thọ của người Nhật Bản hiện cao nhất thế giới. “Chính vì vai trò đó, hiện TPCN đã trở thành ngành kinh tế phát triển trên toàn cầu”- Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng Thư ký VAFF khẳng định.

Theo ông Củng, Việt Nam là nước thuận lợi cho phát triển dược thảo. Chúng ta có 4.000 cây, con cho sản xuất TPCN, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ nên chúng ta có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm cho sức khoẻ càng có điều kiện phát triển...

“Có thể nói, chúng ta có nhiều tiềm năng về TPCN, vấn đề là làm sao tổ chức sản xuất, quản lý, tổ chức thị trường, marketing... làm thế nào không những phục vụ cho 90 triệu người mà cả 600 triệu dân ASEAN và cả các nước khác. Tiềm năng của TPCN của Việt Nam là vô cùng lớn, làm sao để khoẻ mạnh và ở đó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”- TS Củng đặt vấn đề.

GMP- Thà “đau” một lần…

Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An, ông Nguyễn Phúc Hưng băn khoăn với con số hơn 3.000 DN không đạt chuẩn GMP. “Như thế có thể nói hầu hết số DN Việt không đủ tiêu chuẩn sản xuất. Trong khi đó, thị trường TPCN của Việt Nam rất tiềm năng với 96 triệu dân, điều này sẽ khiến các DN nước ngoài nhảy vào, chúng ta thất thu ngân sách...”- ông An băn khoăn.

 

Theo DN này, cần có mức phân chia độ đạt của các nhà máy, nếu không đạt GMP thì cũng có tiêu chuẩn phù hợp để DN giữ vững được hoạt động. Đồng tình với việc dẹp bỏ DN manh mún, chộp giật, nhưng là loại trừ bớt chứ không phải làm căng quá khiến hầu hết DN phải đóng cửa nhà máy…

Bà Đỗ Việt Hương, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần sản xuất Thương mại BioCosmestics cũng than phiền rằng các DN đang gặp khó về quy định này. Bà cho biết, các DN xây dựng nhà máy từ trước những năm 2012 đã có cơ sở sản xuất, nhà máy trước đó, thậm chí nhiều DN mới nâng cấp năm 2017, nhưng chưa thể đạt GMP theo quy định này.

Trong khi đó, để một nhà máy TPCN lên đạt chuẩn GMP mất rất nhiều vốn. Ví dụ với việc nâng cấp một nhà máy viên nang lên GMP thì mức đầu tư khoảng 10 tỷ, thậm chí với nhà máy sản xuất đa dạng cả dạng túi, dạng nén... có khi mức đầu tư lên tới hơn 40 tỷ đạt chuẩn GMP.

“Nghị định đưa ra yêu cầu DN trong vòng 18 tháng phải GMP ngay khiến DN gặp khó vì nguồn đầu tư rất lớn. DN kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép sản phẩm đã được cấp công bố trước tháng 7/2018 thì được phép sản xuất tại nhà máy trước đó…”- DN này đề nghị.

Có nhiều ý kiến đặt vấn đề nên phân biệt loại TPCN xuất khẩu và loại dùng cho thị trường nội địa. Theo đó, có thể giảm bớt một số tiêu chí trong 10 tiêu chí hiện nay, đồng thời có lộ trình cho DN chuẩn bị tích cực hơn và người tiêu dùng có thể áp dụng rộng rãi hơn.. Tuy nhiên, đại diện VAFF kiên quyết: “Ta phải chịu đau 1 lần, nếu cứ thấy khó mà không làm thì không thể thay đổi được...”- TS Phạm Hưng Cùng phát biểu.

 

Ông Củng cũng cho rằng ý kiến đưa ra phân biệt sản phẩm trong nước và xuất khẩu là đi ngược lại với thế giới. “Sản phẩm tốt phải là đưa cho nội địa dùng đã. Chúng ta không nên phân biệt sản xuất trong nước và nước ngoài...”, ông Củng bày tỏ quan điểm và cho rằng các DN nhỏ lẻ cần phải có mô hình liên kết hợp tác.

“Tôi cũng chia sẻ với khó khăn của DN trong việc triển khai GMP. Tuy nhiên, sản phẩm được đưa vào sản xuất trong môi trường không đảm bảo tiêu chuẩn, chắc chắn không thể tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đó là lý do tại sao cần áp dụng GMP. Đây là bộ nguyên tắc chung, không thể thêm vào hoặc bớt đi”- ông Nguyễn Văn Lợi- Đại diện Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khẳng định.

Theo ông, việc xây dựng GMP là cơ hội lớn và thách thức để hoàn thiện sân chơi chung cho các DN, cho nên ngay từ bây giờ, các DN cần xắn chân để đi. “Đặc biệt sắp tới khi Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP, sân chơi này sẽ càng khắc nghiệt hơn nữa. Do đó, các DN cần phải tự thay đổi mình để đứng vững trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này…”- ông Lợi đưa ra lời khuyên…


Theo Báo Pháp luật
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm