Thủ tục thông thoáng là 'chìa khóa' để khu vực tư nhân phát triển xứng tầm
Hỗ trợ cơ chế chính sách để hộ kinh doanh 'chịu lớn' / Khởi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 sân bay Phù Cát trong tháng 8
Doanh nghiệp tư nhân chưa "tròn vai"
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”, “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...”.
Tại hội thảo khoa học ‘"Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế" ngày 26/5 tại Hà Nội, PGS, TS Trần Đình Thiên khẳng định, khu vực tư nhân đã giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986, vực dậy nhanh chóng và hội nhập quốc tế một cách tự tin, điều mà kinh tế quốc doanh hay kinh tế tập thể không làm được thời điểm đó.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đã đóng góp đáng kể, chiếm 50,6% GDP, 25–26% kim ngạch xuất nhập khẩu, 30% ngân sách nhà nước và tạo ra 83% việc làm, điều này cho thấy vai trò hàng đầu của khu vực này trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Đình Thiên, dù đã được xác định về mặt nhận thức lý luận và đường lối là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế, nhưng kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy tương xứng vai trò, chưa “đóng đúng vai, tròn vai”, khiến nền kinh tế nhìn chung vẫn tăng trưởng chưa đúng tầm, lãng phí tiềm năng, lợi thế và tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đề cập đến rào cản thủ tục hành chính, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI đã tiến hành khảo sát 14.000 doanh nghiệp mỗi năm tại 63 tỉnh, thành. Kết quả cho thấy, thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai được doanh nghiệp đánh giá là nhóm khó khăn nhất. Cụ thể, 74% doanh nghiệp cho biết họ đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ dự án đầu tư do gặp vướng mắc thủ tục đất đai, trong khi 67% cho rằng thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định.

Theo ông Tuấn, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư hiện quá phức tạp, chồng chéo, liên quan tới ít nhất 12 luật và hơn 20.000 văn bản dưới luật. Dù số lượng văn bản pháp luật mới ban hành có xu hướng giảm, nhưng độ phức tạp thì chưa được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi luật pháp tại các địa phương rất khác nhau, gây rủi ro thiếu thống nhất. "Có những dự án dù thuộc thẩm quyền tỉnh nhưng nhà đầu tư vẫn phải trực tiếp ra làm việc với bộ ngành Trung ương. Điều này cho thấy việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện triệt để", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá tiến trình phát triển doanh nhân tư nhân từ quy trình đầu tư dự án có sử dụng đất, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy một nghịch lý: doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư đều có mong muốn đầu tư, nhưng lại bị “giam” trong một quy trình thủ tục quá rườm rà và kéo dài.
Dẫn chứng cụ thể ông Tuấn cho biết, để triển khai một dự án đầu tư sử dụng đất, nhà đầu tư phải trải qua hàng loạt bước từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đến thủ tục đất đai, giao đất, cho thuê đất… Nếu mô hình hóa toàn bộ quy trình này, có thể liên quan đến ít nhất 15 thủ tục chính và hàng loạt thủ tục nhỏ khác, trải dài trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp chính quyền.
"Rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân là không xác định được khi nào thủ tục hoàn thành. Có thể mất 1 năm, 2-3 năm, thậm chí hơn 10 năm. Trong khi thị trường thay đổi liên tục, điều này khiến kế hoạch kinh doanh trở nên đầy rủi ro", ông Tuấn nêu.
Môi trường chính sách là mấu chốt
“Chúng ta kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, hay hai con số trong năm tới, thì tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân phải cao hơn mức đó. Mà muốn như vậy, thì không gì khác ngoài việc cải cách mạnh mẽ thủ tục, để dòng vốn đầu tư chảy nhanh vào nền kinh tế”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 68 đã mang lại kỳ vọng lớn nhưng quan trọng hơn là hành động cụ thể, quyết liệt từ phía Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, không chỉ rà soát lại các quy định, mà còn phải dũng cảm cắt bỏ, thay đổi tư duy quản lý, hướng tới một môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả và thông thoáng hơn.
Cùng góc nhìn, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính sẽ là câu chuyện cốt lõi trong thời gian sắp tới.

"Nếu nói cụ thể câu chuyện này thì cốt lõi nằm ở con người. Chúng ta sẽ phải có KPI đối với từng người cán bộ, từng người công chức như thế nào để người dân đánh giá xem họ đã thực thi đúng chính sách chưa; đã phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp một cách thực sự phù hợp với trách nhiệm của họ chưa?
Nếu chúng ta thực hiện được điều cốt lõi đó là trách nhiệm của người cán bộ công chức, người phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp một cách tốt hơn thì chắc chắn tất cả các nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn", bà Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, muốn phát triển doanh nghiệp, nhất là tư nhân, thì môi trường chính sách vẫn là mấu chốt. Nhà nước không cần phải bảo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có nhu cầu họ sẽ tự làm.
Vấn đề của Nhà nước là phải tạo lập được một môi trường cạnh tranh lành mạnh và vận hành thị trường hiệu quả, để doanh nghiệp làm tốt phần của họ.
Đối với doanh nghiệp, điều quan trọng là môi trường kinh doanh phải ổn định và mang tính dự báo, để họ có thể lên kế hoạch vận hành.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn “go global” (vươn ra toàn cầu) thì luật pháp Việt Nam cũng phải “go global” – chơi cùng luật với thế giới. Doanh nghiệp không thể chơi một mình theo luật riêng khi bước ra thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và hoàn toàn có thể thích nghi với môi trường mới, nếu có đủ thời gian và định hướng rõ ràng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 vẫn cần được thực thi một cách bài bản, là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước, để xứng đáng với sứ mạng là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo