Hỗ trợ doanh nghiệp

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư với các nước C5 Trung Á

DNVN - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước C5 khu vực Trung Á.

Nhiều hội chợ lớn tại Bắc Âu trong năm 2024 / Tạo điều kiện để Cảng Đà Nẵng tham gia dự án xây dựng, khai thác Cảng Liên Chiểu

Hoàn thiện khung pháp lý hợp tác

C5 bao gồm 5 nước cộng hoà thuộc Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Takjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là những quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác với khu vực này thường xuyên được lãnh đạo cấp cao hai bên quan tâm thúc đẩy trong thời gian vừa qua.

Dù vậy, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và C5 hiện vẫn ở mức rất khiêm tốn, trong khi đó hai bên hiện vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác.

Theo Bộ trưởng Công Thương, trong bối cảnh C5 đang nổi lên như một khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, và được nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu… đẩy mạnh hợp tác, việc xây dựng và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước C5 là rất cần thiết.


Tiềm năng và dư địa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và C5 khu vực Trung Á còn rất lớn.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trực thuộc hoàn thiện và mở rộng các khung khổ pháp lý trong hợp tác kinh tế - thương mại.

Cụ thể, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và C5.

Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) với Kazakhstan và Uzbekistan để rà soát các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác song phương, qua đó tìm kiếm các phương hướng giải quyết cụ thể.

Đối với các quốc gia hiện chưa có cơ chế UBLCP với Việt Nam nghiên cứu tổ chức cơ chế tham vấn kinh tế - thương mại, trước mắt ở cấp lãnh đạo vụ để xây dựng, thống nhất các khung khổ hợp tác giữa hai bên.

Nghiên cứu cơ chế phối hợp với hiệp hội, ngành hàng để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) hai bên.

Phối hợp với Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than, Cục Xuất nhập khẩu, các hiệp hội, ngành hàng nghiên cứu thúc đẩy việc nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của Việt Nam mà các nước C5 có thế mạnh như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản bông sợi…

Tăng cường kết nối doanh nghiệp

Về hỗ trợ thông tin chính sách, thị trường, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức các đoàn công tác để tiến hành khảo sát thực tế khu vực thị trường C5 nhằm xây dựng các mô hình hợp tác trao đổi thông tin phục vụ cộng đồng DN hai nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thanh toán, logistics hiệu quả, bảo đảm tối ưu chi phí, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thương mại tại khu vực này…

Về tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối DN, Bộ trưởng Công thương đề nghị Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế nghiên cứu, xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối DN Việt Nam và C5.

Tăng cường nghiên cứu các chính sách của C5 để hỗ trợ DN Việt Nam mở rộng đầu tư, giao thương vào thị trường khu vực này nhằm khai thác triệt để các lợi thế sẵn có của C5.

Cục XTTM nghiên cứu tổ chức thường niên các đoàn XTTM, đầu tư tham dự các hội chợ, triển lãm, hội thảo lớn và uy tín được tổ chức tại các nước khu vực C5 nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối giao thương với các DN khu vực trên.

Tăng cường quảng bá các ngành hàng, thương hiệu, hàng hoá của Việt Nam đến người tiêu dùng và cộng đồng DN các nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị thúc đẩy hợp tác trong mô hình kinh tế mới, tạo thuận lợi cho DN hai bên mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm