Góc nhìn

BÀI 2: Từ siêu thị bản vẽ xây dựng đến “lỗ hổng” của Luật Kiến trúc

DNVN - Theo Luật sư - Ths Nguyễn Cao Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vấn đề mới đang nổi lên trong lĩnh vực kiến trúc thời đại 4.0 là quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù trong Luật Sở hữu trí tuệ đã nêu, nhưng Luật Kiến trúc và các Nghị định kèm theo lại chưa được ghi nhận về quyền này!

Đà Nẵng hợp tác với Tập đoàn Philips (Hà Lan) đưa sông Hàn trở thành “Dòng sông ánh sáng” / Bảo vệ tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam

Bản vẽ đồng giá 6 triệu đồng và “lỗ hổng” sở hữu công nghiệp trong Luật Kiến trúc

Ngày 14/3 vừa qua, Công ty CP Siêu thị bản vẽ (trụ sở chính tại Đà Nẵng) đã đồng loạt khai trương 40 siêu thị bản vẽ (gọi tắt là STBV) khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. “Việc khai trương cùng lúc 40 cửa hàng trên toàn quốc đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường, khẳng định vị trí của STBV trong ngành thương mại xây dựng!” - KTS Nguyễn Bá Hải, Tổng Giám đốc STBV nói tại lễ khai trương.

Tham luận của Ths.LS Nguyễn Cao Hùng được xem là "tâm điểm" của hội thảo "“Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” do Hội Kiến trúc sư (KTS) TP Đà Nẵng phối hợp với Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam tổ chức chiều 10/4

Tham luận của Ths.LS Nguyễn Cao Hùng được xem là "tâm điểm" tại hội thảo "“Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” do Hội Kiến trúc sư (KTS) TP Đà Nẵng phối hợp với Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam tổ chức

Theo KTS Nguyễn Bá Hải, STBV sử dụng nền tảng online kết nối các KTS và người dùng, qua đó giúp khách hàng giải quyết bài toán thiết kế bản vẽ nhà ở dân dụng, đặc biệt là ở nông thôn với mức giá hợp lý. Với đồng giá 6 triệu, mỗi khách hàng sẽ có một bản thiết kế hoàn chỉnh về điện, nước, phối cảnh 3D mặt tiền, 3D cơ bản nội thất, mặt bằng bố trí công năng các tầng... thay vì phả bỏ ra 20 – 40 triệu đồng để thuê KTS.

Gần như ngay lập tức, sự xuất hiện của STBV đã gây nhiều dư luận tranh cãi. Nhiều người cho rằng, cách làm của STBV là “luồng gió mới”, đem đến những bản thiết kế nhà ở dân dụng đẹp, tiện dụng, đầy đủ công năng và phù hợp với mức tài chính của người dân Việt Nam. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng hoạt động của STBV đang có những biểu hiện vi phạm tác quyền kiến trúc, gây thiệt hại cho nhiều KTS, công ty kiến trúc khác.

Tham dự hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” do Hội Kiến trúc sư (KTS) TP Đà Nẵng phối hợp với Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam tổ chức chiều 10/4, Ths.LS Nguyễn Cao Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có tham luận “Các khung pháp lý hiện hữu liên quan đến tác quyền kiến trúc hiện nay, phạm vi áp dụng, cơ chế thực thi và những kỹ thuật liên quan đến hợp đồng để bảo vệ tác quyền” được xem là “tâm điểm” của hội thảo.

Trong đó, Ths.LS Nguyễn Cao Hùng cho hay, vấn đề mới đang nổi lên trong lĩnh vực kiến trúc thời đại 4.0 là quyền sở hữu công nghiệp. “Mặc dù trong Luật Sở hữu trí tuệ đã có nêu nhưng Luật Kiến trúc và các Nghị định kèm theo lại chưa ghi nhận về quyền này!” – Ths.LS Nguyễn Cao Hùng nói.

Ông dẫn chứng, hiện tại các STBV sản xuất hàng loạt bản vẽ xây dựng với đồng giá 6 triệu đồng; hoặc các nhà lắp ghép cũng sản xuất hàng loạt với cùng mẫu thiết kế; tương tự là các nhà shophouse, condotel, officetel… Đây đều là các loại hình liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp vì sản xuất hàng loạt, nhưng lại không được đề cập trong Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan, từ đó đang dẫn tới nhiều tranh cãi, bức xúc trong giới KTS!

Theo Ths.KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam, sau gần 20 năm nỗ lực, Luật Kiến trúc mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2019; Bộ Xây dựng cũng đã có Nghị định 85 triển khai các tinh thần của Luật Kiến trúc vào đời sống hành nghề của gới KTS. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Phải nói rằng còn rất ít và chưa có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề xác định phạm vi và bảo vệ quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc!”.

Giới KTS phải tự bảo vệ mình thay vì ca thán trên bàn nhậu!

Ở góc độ chủ động trong quá trình hành nghề, theo Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng Tô Văn Hùng, có một thực tế hiện nay là các KTS thường rất ít quan tâm vấn đề pháp lý, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ trong quá trình hành nghề. Họ chỉ chú trọng sáng tác, mong muốn tạo ra các công trình đẹp, có giá trị, thậm chí mong muốn có những tác phẩm “để lại cho đời”, nhưng tác phẩm đó có được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay không thì lâu nay chính họ lại ít quan tâm đúng mức.

Tương tự, Ths.KTS Nguyễn Thu Phong cũng nhận xét giới KTS Việt Nam thực sự chưa ý thức sâu sắc, chưa hành động cụ thể trong việc bảo vệ quyền tác giả khi bị xâm hại. Hầu hết các KTS mới dừng lại ở mức ca thán trên bàn nhậu, thậm chí chán nản không biết kêu ai, hoặc buông xuôi khi các hiện tượng vi phạm tác quyền vẫn thường xuyên diễn ra trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư.

Theo ông, các KTS phải đòi hỏi trong Quy tắc ứng xử nghề nghiệp và tổ chức hành nghề thì Hội KTS các cấp cần giúp đỡ, làm trọng tài được những vấn đề gì? Tòa án có thể xử các hành vi xâm phạm bản quyền theo các luật hiện hành để làm những án lệ đầy công minh, đem lại công bằng cho sự phát triển của giới KTS như thế nào?

Ths.KTS Nguyễn Thu Phong nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” thì rất nhiều, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự nhận thức về tính nghiêm trọng, sự quyết tâm đối mặt và lên tiếng của giới KTS nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và khách hàng trước thực trạng vi phạm tác quyền kiên trúc hiện nay.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì hơn ai hết, chính giới KTS cần phải bắt tay vào gỡ rối quy trình nếu có vướng mắc; phải có các hành động nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo lối đi, tạo tiền lệ tốt đẹp cho hoạt động bảo vệ tác quyền kiến trúc một cách chính quy, đúng luật định.

LS.Ths Nguyễn Cao Hùng cũng gởi gắm “hy vọng sau buổi hội thảo này, Hội KTS Việt Nam sẽ rút tỉa được nhiều nội dung để có những tham mưu, đóng góp nhằm bổ sung quyền sở hữu công nghiệp vào Luật Kiến trúc và các Nghị định có liên quan!”.

Chốt lại, Ths.KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam nêu rõ: “Trong vấn đề bảo vệ tác quyền kiến trúc, sự kỳ vọng của cộng đồng KTS vào vai trò nhà kiến thiết, tổ chức, điều phối của Hội KTS Việt Nam là rất lớn!”.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm