Hỗ trợ doanh nghiệp

Tôm Minh Phú đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất

“Vua tôm” đang triển khai cải tiến phương pháp nuôi trồng và chế biến. Nửa đầu 2018, lãi ròng của Tôm Minh Phú gấp đôi cùng kỳ.

Theo báo cáo vừa công bố của CTCK Rồng Việt (VDSC), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đang tiến hành nhiều dự án mở rộng, áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất.

Minh Phú đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với công nghệ 3 Sạch đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công nâng từ 40-50% lên 90-100% và số vụ nuôi trong năm tăng từ 1-2 vụ/năm lên 4-5 vụ/năm. Tỷ suất lợi nhuận ước đạt 40-60%/vụ, đảm bảo cho nông dân có lãi dù giá nguyên liệu tôm trên thị trường có thời điểm xuống rất thấp do ảnh hưởng của giá tôm thế giới. Công nghệ này đã được áp dụng cho khoảng 50% diện tích vùng tự nuôi và 70-80% diện tích vùng nuôi liên kết (50.000 ha) với các hộ nông dân. Bước đầu, công nghệ mới đã cho thấy vai trò tích cực trong tiết giảm chi phí nguyên liệu. Hiện tại Minh Phú mua tôm từ các hộ nông dân với giá cao hơn giá thị trường chỉ 5-10% so với mức 30-40% trong năm 2015 và 2016 (thời điểm giá thế giới thấp hơn giá thành nuôi tôm của Việt Nam đến 30%).

Mặt khác, theo VDSC, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng, Minh Phú sẽ ứng dụng AI cho các vùng tự nuôi và nhà máy chế biến nhằm tiết giảm chi phí nhân công và tăng năng suất nuôi trông và chế biến. Hiện tại, AI đang được thử nghiệm tại các vùng tự nuôi và dự kiến sẽ ứng dụng trên toàn bộ diện tích tự nuôi từ cuối năm 2018.

Với cách nuôi thông thường, công ty cần đến 4.000 người để quản lý 2.000 ao tôm. Với AI, 1 người có thể quản lý 50 ao, tương ứng với 40 người quản lý 2.000 ao, do đó áp lực về nhân sự sẽ giảm đi rất nhiều. Phần lao động dôi dư từ các vùng nuôi sẽ được chuyển sang các nhà máy chế biến, đáp ứng nhu cầu gia tăng công suất chế biến. AI ứng dụng vào các dây chuyền chế biến sẽ giúp giảm thời gian ở các khâu phân loại tôm, tính toán các nguyên liệu kèm theo và lên kế hoạch sản xuất.

Công ty đang hợp tác với UBND tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng khu phức hợp công nghệ cao về tôm tại Tri Tôn. Tổ hợp này bao gồm 10.000 ha vùng nuôi liên kết với các hộ nông dân, hai nhà máy chế biến với công suất 40.000 tấn/nhà máy/năm, sàn giao dịch tôm, thức ăn, thuốc, con giống, khu nhà ở xã hội cho công nhân và các tiện ích xã hội kèm theo. Trong đó, Minh Phú sẽ hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ vào vùng nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Chi phí xây dựng hai nhà máy ước tính khoảng 2.400 tỷ đồng (1.200 tỷ đồng/nhà máy) sẽ được lấy từ nguồn vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2018 và lợi nhuận giữ lại các năm sau. Các công trình còn lại sẽ được tài trợ bởi vốn Nhà nước.

Năm 2019 khi công ty triển khai thành công công nghệ nuôi siêu thâm canh và AI trên toàn bộ 900 ha vùng tự nuôi, tỷ lệ tự chủ nguyên liệu sẽ đạt 30%. Về lâu dài, khi các công nghệ mới được triển khai trên vùng nuôi 10.000 ha ở khu phức hợp, tỷ lệ tự chủ nguyên liệu dự kiến đạt 50%.

Tính đến hết quý II, Minh Phú đã áp dụng công nghệ nuôi mới trên một phần diện tích vùng tự nuôi và vùng nuôi liên kết giúp tăng sản lượng. Nhờ đó, giá tôm nguyên liệu ổn định và công ty đẩy mạnh thu mua tăng cường chế biến xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng với biên lãi cao. Biên lãi gộp đã cải thiện từ 12% năm 2017 lên 13,5% cuối quý II.

Sau nửa năm, Minh Phú đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 6.615 tỷ đồng và 328 tỷ đồng, tăng 4% và 106% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường tiêu thụ của Minh Phú vẫn tập trung ở 4 khu vực chính là Mỹ, Nhật, EU và Hàn Quốc với tỷ trọng tăng từ 69% quý I lên 77% cuối quý II. Nguyên nhân do kim ngạch vào Mỹ và Nhật tăng mạnh nhờ lợi thế về thuế chống bán phá giá (CBPG) của MPC tại Mỹ và nhu cầu tại Nhật tăng mạnh nhờ yên Nhật tăng giá mạnh so với VND (tỷ giá JPY/VND đã tăng 4% trong nửa đầu năm 2018).

Minh Phú đã xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất tôm bao gồm tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, thuốc, vùng nuôi, chế biến, bảo quản đến phân phối sản phẩm. Hoạt động kinh doanh được vận hành theo mô hình tập đoàn với 12 công ty con và 3 công ty liên kết. Đây là điểm tạo nên sự khác biệt giữa Minh Phú và các công ty khác trong ngành nhờ vai trò của chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong việc giảm thiểu và ổn định chi phí sản xuất và quản lý.

Hiện tại, Minh Phú có 900 ha vùng tự nuôi tại Vũng Tàu và Kiên Giang, tự chủ 10% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, phần còn lại thu mua từ các hộ nông dân.

Theo ndh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo