Doanh nghiệp kỳ vọng mô hình hải quan thông minh sẽ tháo gỡ hết những vướng mắc trong thủ tục
Giải pháp giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động? / Vietjet dự kiến mở lại 7 đường bay từ ngày 10/10
Tháo gỡ những bất cập trong thủ tục hải quan
Hội thảo “Đổi mới thủ tục Hải quan” diễn ra theo hình thức trực tuyến do Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào sáng nay.
Hội thảo nhằm góp ý dự thảo văn bản thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC, với sự tham gia của hội viên VLA, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia.
Ghi nhận ý kiến doanh nghiệp về dự thảo văn bản Đổi mới thủ tục Hải quan, Hội thảo được chia làm 2 phần: Tóm tắt các dự thảo thay đổi so với các quy định hiện nay do đại diện Tổ soạn thảo, Tổng cục Hải quan trình bày và nội dung góp ý của VLA (Ban Hải quan). Đồng thời, thảo luận trực tiếp với Tổ soạn thảo, Tổng cục Hải quan và phần hỏi đáp dành cho đại diện các doanh nghiệp tham dự.
Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan đang chủ trì soạn thảo các văn bản thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Luật Hải quan năm 2014. Đây là những văn bản quan trọng đối với doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và đặc biệt sẽ tác động lớn đến hoạt động khai thuê hải quan.
Sự kiện Tổng cục Hải quan cùng doanh nghiệp thảo luận các dự thảo pháp lý về đổi mới thủ tục hải quan đã hỗ trợ hội viên Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và các hiệp hội ngành hàng nắm được nội dung các dự thảo; đóng góp ý kiến về nội dung các bản dự thảo mới nhất.
Các văn bản dự thảo nói trên sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục triệu lô hàng xuất nhập khẩu hàng năm ở Việt Nam. Hiểu rõ và đánh giá đúng mức độ quan trọng của các văn bản dự thảo đến các hội viên Hiệp hội các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã tổ chức họp nhiều lần để tổng hợp các ý kiến đóng góp cho các bản dự thảo mới nhất.
Tại Hội thảo, hàng trăm ý câu hỏi và ý kiến của doanh nghiệp đã được đưa ra liên quan đến những bất cập của hoạt động hải quan còn gây khó cho doanh nghiệp. Đặc biệt là những khó khăn về xác định mã số HS, tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan, thuế suất thuê doanh nghiệp nội địa gia công và ngược lại, phân luồng đỏ, kiểm tra thực tế hàng hoá, tờ khai hải quan hàng hóa phi mậu dịch…
Đại diện cho các doanh nghiệp đề xuất cần có quy chế rõ ràng hơn về trách nhiệm của cán bộ hải quan để phát triển hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi. Trong công tác số hóa, cơ quan hải quan cần tính toán trước cách làm giảm thiểu kê khai nhiều cho nhiều bộ phận khác nhau. Hải quan thông minh không thể khiến việc khai lược hàng hóa thêm phức tạp hơn, tăng số lượng làm việc của doanh nghiệp lên gấp đôi như thực tế đang diễn ra.
Những câu hỏi, ý kiến đề xuất trên đều được đại diện cho Tổng cục Hải quan tiếp nhận và giải thích rõ, với mong muốn xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý về đổi mới thủ tục hải quan hướng tới một mô hình hải quan thực sự thông minh.
Mô hình hải quan thông minh sẽ tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Dự thảo sẽ trình lên Chính phủ trong tháng 10
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Các nghị dịnh và thông tư về đổi mới thủ tục hải quan thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC đã được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ trình Chính phủ trong tháng10. Trước khi ban hành, Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân nên cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn thời gian để đưa ra ý kiến.
Hiệu lực của các văn bản này chia làm 2 phần, một phần sẽ có hiệu lực ngay, một phần có hiệu lực sau hoàn thiện lại hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh – hải quan số.
Các thông tư sẽ được ban hành cùng thời điểm với nghị định, đảm bảo hiệu lực thông tư và hiệu lực cùng thời điểm. Còn lại những vấn đề liên quan đến hải quan số,Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng và có thông tư riêng, cùng với đó là tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo