Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyên gia "hiến kế" giúp các doanh nghiệp vượt đại dịch

DNVN – Nhiều chuyên gia nhận định hết COVID-19 chưa phải DN đã hết cầm cự mà có thể vẫn cần thêm 3-5 năm để khôi phục lại kinh doanh tùy vào ngành nghề, lĩnh vực và loại hình. COVID-19 chấm dứt không có nghĩa là kinh doanh có thể hồi phục được ngay.

Hà Nội: Thu giữ 17.100 khẩu trang giả mạo nhãn hiệu 3M / Miền Nam vẫn là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm các thủ tục giải thể tăng 24,7% so với cùng kì năm 2020. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của COVID-19 tới sức khỏe doanh nghiệp ngày một gia tăng

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 500 DN đang hoạt động với số lượng DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 94%. Trong đó hiện nay có đến 65,1% DN đang phải hoạt động cầm chừng; 30,5% DN đang ở trạng thái hoạt động bình thường; còn lại 0,8% đang có tình hình hoạt động không tốt.

Theo khảo sát, khó khăn chính của DN hiện nay đều liên quan đến quản trị, điều hành, thị trường, chính sách, nguồn vốn, nguyên liệu, vận chuyển… Trong đó, việc không tiêu thụ được sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, phát sinh thêm các chi phí, khó khăn liên quan đến các vấn đề thủ tục hành chính, khó tiếp cận các chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi… là những vấn đề nổi cộm của các DN.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay nên kinh tế nói chung và các DN nói riêng đang trải qua thời kỳ VUCA (viết tắt của các từ trong quan điểm cho rằng môi trường kinh doanh luôn phải đối mặt với: nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity)). 4 đặc trưng này sẽ có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn môi trường kinh doanh có thể tiêu cực nhưng cũng có thể là tích cực.

Sau dịch, doanh nghiệp cần 3-5 năm mới có thể khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

Sau dịch, doanh nghiệp cần 3-5 năm mới có thể khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

Tại tọa đàm "Bàn tròn chuyên gia – doanh nghiệp vượt đại dịch” diễn ra ngày 14/8, ông Nguyễn Thành Đồng – Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp nhận định, một DN có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực hoạch đính chính sách, hoạch định chiến lược, tổ chức điều hành… của chủ DN có tốt hay không.

Cũng theo ông Đồng, hiện tại hầu như DN nào cũng liên tục đưa ra phân tích ma trận SWOT (điểm mạnh , điểm yếu, cơ hội, nguy cơ) nhưng hiện tại chúng ta mới chỉ phân tích nguy cơ ở góc độ định tính chứ chưa phân tích ở góc độ định lượng.

“Nếu không phân tích ở góc độ định lượng thì làm sao lấy được thông tin đúng, đủ, kịp thời để chúng ta ra quyết định. Sự thiếu thông tin cộng với chủ nghĩa kinh nghiệm và tư duy lối mòn sẽ là người bạn đồng hành đến thất bại của các DN”, ông Đồng nhấn mạnh.

Từ đó, chuyên gia Nguyễn Thành Đồng cũng đưa ra lời khuyên cho các DN trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay cần có những chiến lược cụ thể phù hợp với điều kiện của mình. Cụ thể, DN lựa chọn phương án phòng thủ có thể giữ vững bạn hàng, giữ vững khách hàng, bổ sung các mối quan hệ mới, kiện toàn bộ máy, tiết giảm chi phí một cách hợp lý. Nếu nguồn lực cho phép có thể lực chọn phương án tấn công. Mở rộng quy mô để thu hút khách hàng của đối thủ cạnh tranh; mua lại các DN “chết” hoặc đang "chờ chết”. Nếu điều kiện cho phép nữa thì có thể kết hợp vừa phòng thủ vừa tấn công.

"Trong đợt dịch vừa rồi, mặc dù có rất nhiều DN phải lao đao, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận vẫn có các DN thành công và phát triển. Để làm được điều này, người chủ DN cần có một tính cách không thể thiếu đó là tính mạo hiểm. Mạo hiểm dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời để ra quyết định", ông Đồng cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thức - Chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp cho biết, hiện nay, đa số các DN đều cần sinh tồn trước. Đa số đang chuyển về trạng thái cầm cự. Nhưng hết COVID-19 chưa phải là đã hết cầm cự, mà có thể DN vẫn cần thêm 3-5 năm để khôi phục lại kinh doanh tùy vào ngành nghề, lĩnh vực và loại hình DN. COVID-19 chấm dứt không có nghĩa là kinh doanh hồi phục ngay.

“Sinh tồn là quan trọng nhất. Đây chắc chắn là cuộc chiến dài, khốc liệt. Mọi cơ hội đang chờ phía trước. Kinh doanh là công cụ, tài chính là mục tiêu, an yên là sự lựa chọn suốt đời. Các DN hãy tận dụng giai đoạn này để mài rìu thật sắc nhọn , cơ hội đang chờ chúng ta phía trước”, ông Thức nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Nhật Minh, CEO của ZGa, thời điểm này DN cần nhìn xa trông rộng hơn và nên co cụm lại để sinh tồn trước. Nên tối giản lại hết tất cả các chi phí cố định, chuyển đổi từ nhân viên thành đối tác. Chuyển đổi từ lương cứng sang trả doanh thu cao hơn cho nhân viên.

Cũng theo ông Minh, đa số các DN hiện nay ở Việt Nam đang ở nhóm nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy các DN hay lên mạng tìm kiếm tất cả những dịch vụ miễn phí để sử dụng. DN cần làm tất cả những gì để có thể duy trì thương hiệu, dùy trì được sự hiện diện với khách hàng và hoạt động kinh doanh. Nếu như không tiếp tục làm được những việc này thì mấy năm sau sẽ rất khó để có thể vực dậy được.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm