Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP: Ngành cá ngừ gặp khó vì quy định bất cập

DNVN - VASEP cho rằng, việc Việt Nam đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ sẽ khiến cho nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiếm, doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị mất thị trường.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kịp thời hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi / VINASME và Visa ký kết hỗ trợ số hoá thanh toán cho doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500mm. Nếu dưới kích cỡ này, các doanh nghiệp (DN) sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), quy định này là nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay số lượng cá ngừ vằn kích cỡ 500mm trở lên thường chỉ chiếm từ 10 - 20% mỗi mẻ lưới.

Với quy định chiều dài tối thiểu 500mm trên, để thực hiện quy định ngư dân phải thay đổi kích thước mắt lưới. Tuy nhiên, theo phản ảnh của các ngư dân, việc thay đổi ngư cụ không đơn giản, tăng thêm chi phí và cũng không giải quyết được việc sàng lọc cá đánh bắt theo cỡ. Hơn nữa, sau đánh bắt cá về, ngư dân không bán được dẫn đến thua lỗ, tàu phải nằm bờ. Không đánh bắt được cá, ngư dân mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng….

Cũng theo VASEP, cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đạt gần 255 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.


Theo VASEP, quy định về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó.

Bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi với mức tăng 24%. Nhu cầu thị trường đang dần phục hồi, đây là cơ hội cho các DN gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, những lợi thế về mặt ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đang giúp cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về giá tại các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hiện tại trên thế giới, các nước sản xuất đồ hộp như Thái Lan, Philippines, Ecuador… thường sản xuất cá ngừ vằn đóng hộp bằng cá ngừ vằn với kích cỡ khoảng 1,8 – 3,4kg, cá ngừ dưới 1kg cũng được sử dụng nhiều để sản xuất cá ngừ đóng hộp. Các nước trên thế giới hay ngay cả Liên minh châu Âu cũng không có quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn.

"Việc Việt Nam đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ khiến cho nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiến, DN không có đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu và thay vào đó phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, những lợi thế về ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do sẽ không còn, DN đứng trước nguy cơ bị mất thị trường", bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP nhận định.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm