Vì sao doanh nghiệp 'đói' vốn?
Một kết quả nghiên cứu thị trường Việt Nam mới đây của InsightAsia Research Group cho thấy có 62% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được khảo sát cho rằng vấn đề về tài chính được cho là gặp khó khăn nhất.
Vướng mắc từ hai phía
Trong vấn đề về nguồn vốn (yếu tố vô cùng quan trọng của bất kỳ DN nào), có đến 95% DN được hỏi cho biết sự quan tâm của họ tới chi phí đầu tư vào nhà xưởng ban đầu hoặc thuê mặt bằng, nhà xưởng.
Đồng thời, có 92% DN quan tâm tới chi phí đầu tư cho máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ.
Còn theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về môi trường kinh doanh đối với DNVVN, trung bình chỉ có 40% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Trong đó, con số này ở DN nhỏ là 62%, DN quy mô vừa là 74% và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn. DNVVN chịu lãi suất vay đắt đỏ hơn và vốn ngắn hạn là chủ yếu.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI tại Tp.HCM, có đến khoảng 90% DNVVN cho biết phải có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng, cao đáng kể hơn so với tỷ lệ của DN lớn (82%). Thậm chí, có DN phải bồi dưỡng nhân viên ngân hàng để được vay vốn.
Tựu trung lại, trong các cuộc khảo sát xoay quanh nguồn vốn, vấn đề nổi cộm là DN Việt rất cần sự đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn từ phía ngân hàng cũng như các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Về phía các ngân hàng, có thể thấy mặc dù thời gian qua cũng đã công bố nhiều gói ưu đãi về vốn vay cho các DNVVN, thế nhưng việc tiếp cận vốn của DN đến nay vẫn thực sự rất gian nan, rất nhiều vướng mắc như tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, sổ sách kế toán…
Chia sẻ với giới DN tại Tp.HCM, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, tỏ ra băn khoăn về con số hơn 60% DN gặp khó khăn, vướng mắc với vấn đề nguồn vốn, đặc biệt là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi thực ra những khó khăn này cũng rất đơn giản.
Chẳng hạn, khi ngân hàng xuống làm việc với DN thấy DN hầu như chưa sẵn sàng hoặc không có chiến lược liên quan đến chuyện vay vốn và tiếp cận nguồn vốn, dù rằng họ có chiến lược về sản xuất, có chiến lược về đối tượng khách hàng sử dụng sản phẩm.
“Khi hỏi về phương án vay vốn, một số DN không thể trình bày được. Hoặc có một số DN sử dụng nguồn vốn không hợp lý”, ông Hoàn lưu ý.
Theo ông Hoàn, khi được hỏi đi hỏi lại nhiều lần là vay vốn để làm gì thì có không ít DN thú thực là để đầu tư đất nền nhằm chờ đất tăng giá rồi bán ra lấy lời. Hệ lụy là DN không còn nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Thực tế, việc sử dụng nguồn vốn của nhiều DN có thể nói là rất bị động. Không những vậy, nếu DN không có nguồn vốn tự có mà sử dụng hoàn toàn nguồn vay của ngân hàng thì tỷ lệ rủi ro rất cao, tỷ lệ tìm kiếm lợi nhuận vì thế cũng khó thành.
Giới chuyên gia cho rằng đa số các ngân hàng cho DN vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thì tối thiểu DN nên có 20% nguồn vốn tự có. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn và đảm bảo ổn định, ít nhất DN phải có 40% vốn tự có.
Trong khi đó, do gặp khó khăn về nguồn vốn vay từ ngân hàng nên không ít DN nhỏ phải vay vốn từ tín dụng đen và có những DNVVN có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là từ tín dụng đen.
Nói đi cũng phải nói lại, bản thân nhiều DNVVN có năng lực tài chính yếu, nhiều khi không minh bạch giữa tài chính chủ sở hữu, cá nhân và DN, năng lực quản lý dòng tiền còn hạn chế và không có khả năng xây dựng các kế hoạch tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Chính điều này khiến nhiều ngân hàng rất e ngại khi cho DN vay vốn sản xuất kinh doanh. Chưa kể, không chỉ phía DN thiếu chiến lược kinh doanh mà lĩnh vực hoạt động nhiều khi rất nhỏ hẹp và đặc thù khiến ngân hàng không đủ thông tin dữ liệu để đánh giá tính khả thi, hiệu quả khi cho vay. Ngoài ra, một số dự án, phương án kinh doanh của DN thiếu khả thi, thị trường đầu ra chưa ổn định cũng là một trở ngại.
Vì vậy, để xua tan cơn khát vốn từ các DNVVN, giới chuyên gia có lời khuyên bản thân DN phải thay đổi, nhất là về minh bạch hóa thông tin, lành mạnh hóa các hoạt động tài chính, giảm thiểu chi phí và thiện chí trong quan hệ tín dụng. Hơn nữa, DN có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng và chủ động hướng tới các kênh huy động vốn lành mạnh khác.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Liêm, cần hình thành hệ thống cung cấp vốn thuận lợi và minh bạch hơn. DN phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng cần có được năng lực chuyên môn tốt hơn trong đánh giá, thẩm định kế hoạch kinh doanh của DN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc