Hỗ trợ doanh nghiệp

Viện Kiểm sát: "Vinasun không đủ cơ sở đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng"

(DNVN) - Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nhận định: "Vinasun không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại nên không đủ cơ sở chấp nhận tất cả yêu cầu của Vinasun về số tiền đòi bồi thường trên 41,2 tỉ đồng".

Huawei lập kỷ lục bán 200 triệu smartphone, bất chấp Mỹ tẩy chay / Khánh Hoà: Doanh nghiệp thưởng Tết cao nhất 120 triệu đồng

Ngày 28/12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) phát biểu quan điểm giải quyết vụ án Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỉ đồng.

Vinasun không đủ cơ sở đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Trong phần nêu quan điểm của mình, đại diện VKS khẳng định quá trình giải quyết vụ án, thầm phán và thư ký tòa cũng như HĐXX thực hiện đúng quy định, trình tự tố tụng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ sau ngày 23/10/2018, VKS nhận thấy Công ty CP Thẩm định giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long) dù đã được tòa triệu tập nhiều lần nhưng không đến.

Trong vụ án này, VKS cho rằng về tính pháp lý tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu do Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 14/2/2014, Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia cũng như điều lệ của Công ty TNHH Grab thể hiện trong các ngành nghề kinh doanh có vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) cùng ngành nghề với Vinasun.

VKS đề nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun

VKS cho rằng,Vinasun không đủ cơ sở đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Theo Đề án 24, Grab chỉ được phép kinh doanh cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, VKS cho rằng, trên thực tế Grab đã không tuân thủ pháp luật, điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi tương tự Vinasun, như: tuyển tài xế, điều hành xe, không niêm yết vị trí lái xe theo mẫu quy định, nhiều xe không có phù hiệu, không có tên, chỉ định tài xế đón khách…, vi phạm nghị định 86 của Chính phủ, thông tư 63, không thực hiện đúng Đề án 24.

Về yêu cầu của phía Vinasun đòi Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền trên 41,2 tỷ đồng, đại diện VKS cho rằng Vinasun căn cứ báo cáo tài chính các năm 2015, 2016 và 2017 đã được kiểm toán và công văn cung cấp thông tin của Chi cục Thuế Q.5 đối với Vinasun để cho rằng lợi nhuận của Vinasun năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 giảm sút.

Tuy nhiên, VKS nhận định Vinasun không chứng minh được thiệt hại, bởi Công ty Giám định Cửu Long dù được tòa triệu tập nhiều lần không đến, nên không làm rõ được thiệt hại. Ngoài ra, Vinasun dùng việc cổ phiếu giảm 149 tỉ làm căn cứ chứng minh thiệt hại là chưa phù hợp.

Đại diện Grab tại tòa án

Đại diện Grab tại tòa án

 

Mặt khác Vinasun cho rằng doanh số kinh doanh kém hiệu quả, năm 2016 giảm so với 2015 do chi phí tăng (gồm các loại chi phí). Thế nhưng thực tế số tài xế Vinasun giảm trên 2.400 người. Ngoài doanh thu taxi còn có doanh thu khác, như vậy doanh thu của Vinasun có nhiều nguồn.

Từ những phân tích trên, VKS cho rằng: "Vinasun không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại nên không đủ cơ sở chấp nhận tất cả yêu cầu của Vinasun về số tiền đòi bồi thường trên 41,2 tỉ đồng".

Ngoài ra, VKS nhấn mạnh thông qua vụ việc này sẽ có báo cáo đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải hành khách nhằm tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho các đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách.

Cần sớm kết thúc vụ việc

 

Cũng trong phiên tòa, đại diện VKS cũng đã giải thích về thắc mắc của Grab khi cho rằng phiên tòa kéo dài làm cho nguyên đơn có thời gian thu thập chứng cứ, có lợi cho nguyên đơn. Còn Vinasun ý kiến kéo dài thời gian xử án đã gây thiệt hại cho Vinasun.

Về điều này, đại diện VKS cho rằng, việc gửi đơn tố cáo chủ tọa là quyền của các đương sự. Tuy nhiên làm như vậy thể hiện sự yếu kém của các luật sư của cả nguyên đơn lẫn bị đơn vì các vị đều có trình độ cử nhân, thạc sỹ hoặc tiến sỹ luật.

Phía nguyên đơn Vinasun đang nghe tuyên án

Phía nguyên đơn Vinasun đang nghe tuyên án

Cũng theo đại diện VKS, Grab đơn gửi đơn tố cáo đến Viện trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Chủ tịch nước, đặt câu hỏi vì sao phiên tòa nhỏ lại báo cáo Hội đồng thẩm phán đến 2 lần? Có vi phạm hiến pháp không? Về phía Vinasun cũng gửi đơn lên những nơi tương tự.

 

“Tôi xin giải thích luôn việc có báo hay không tôi không có nhiệm vụ trả lời. Việc quyết định vụ án thuộc HĐXX và HĐXX không chịu tác động của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. HĐXX cho dừng phiên tòa nhằm mục đích hai bên hòa giải, HĐXX cũng mong vụ án này kết thúc nhanh gọn. Còn các vị có gửi đơn đi đâu chăng nữa, nhưng quyền quyết định là ở đây, thuộc HĐXX vụ án này", đại diện VKS nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.


Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm