Hỗ trợ doanh nghiệp

VINASME kiến nghị hỗ trợ tín dụng nhiều hơn cho các ngành hàng chủ lực

DNVN - Cho rằng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện không chỉ gặp khó khăn về đơn hàng mà chi phí hoạt động cũng tăng lên rất cao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ tín dụng nhiều hơn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành hàng này.

Xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm chưa đáp ứng kỳ vọng / Cần Thơ và Quảng Ninh phối hợp tiêu thụ hàng nông sản cho Đồng bằng sông Cửu Long

Khó tiếp cận vốn
Tại hội nghị "Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, DN tư nhân nói chung và DNNVV nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời gian qua, NHNN đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo, thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Đồng thời thường xuyên rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản hướng dẫn luật, tạo mọi thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó có DNNVV. Nhờ đó, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua tín dụng đối với DNNVV đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho DNNVV vay vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn. Do đó, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.
Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp DN và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...
Kết quả bảo lãnh cho DNNVV thời gian qua còn thấp. Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2/2023 đạt 261.327 triệu đồng. Hiện chỉ có 2 ngân hàng phát sinh dư nợ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Về phía Quỹ Phát triển DNNVV, đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV, nên DNNVV chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân cho rằng, việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV là rất khó.
Thay mặt cộng đồng DNNVV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân đánh giá, trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, ngành ngân hàng đã chủ động bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các chính sách như hoãn, giãn nợ và giảm lãi suất; cũng như ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp trên tinh thần “không chạy đua tăng lãi suất huy động”. Đến nay toàn hệ thống ngân hàng đã cho vay đối với DNNVV khoảng 2,2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, phản ánh từ DN hội viên VINASME cho thấy, việc tiếp cận tín dụng tại các TCTD là rất khó. Họ đưa ra các yêu cầu phức tạp, nằm ngoài quy định về thủ tục. Thêm vào đó là thái độ thờ ơ của các TCTD đối với DNNVV.
Một số TCTD còn có tình trạng bắt buộc khách hàng, bao gồm các DNNVV, phải mua bảo hiểm kèm khoản vay; tham gia các dịch vụ liên kết, môi giới, đại lý phát hành trái phiếu DN chưa minh bạch thông tin. Do đó, gây phản cảm, giảm niềm tin của một bộ phận DN với ngành ngân hàng.
Thời gian qua, tình trạng mất tiền gửi online xảy ra ở một số nơi và việc rò rỉ thông tin khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên. Những vấn đề này gây nhiều phiền toái cho DN. Thay vì cải thiện chất lượng bảo mật, an toàn thông tin thì các TCTD lại cạnh tranh với nhau bằng việc khuyên khách hàng lựa chọn ngân hàng lớn, uy tín và được nhiều người tin dùng để tránh mất tiền khi gửi tiết kiệm online. Điều này khiến các DN khá lúng túng và chưa thực sự yên tâm, kể cả là gửi tiết kiệm hay vay vốn tín dụng.
Cần ban hành thêm chính sách cho vay
Theo Chủ tịchVINASMENguyễn Văn Thân, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát có xu hướng tăng ngày càng rõ nét hơn. Các NHTW lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tài khóa, điều chỉnh tăng lãi suất. Chuỗi cung ứng hàng hóa và đơn hàng của DN đối diện với sự sụt giảm nghiêm trọng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông, thủy sản… không chỉ gặp khó khăn về đơn hàng mà chi phí hoạt động cũng tăng lên rất lớn.
"Với việc tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao, chúng tôi rất hiểu khó khăn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi cũng kiến nghị NHNN cân nhắc, xem xét việc hỗ trợ tín dụng nhiều hơn, có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nghề chủ lực. Vì các ngành này đem lại giá trị gia tăng cao và tạo công ăn việc làm lớn cho người lao động", ông Nguyễn Văn Thân đề xuất.
Cho rằng tín dụng đối với các doanh nghiệp lớn vẫn chiếm nhiều tỷ trọng, VINASME hi vọng NHNN sẽ ban hành thêm các chính sách cho vay đối với DNNVV, nhất là với đối tượng khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi cung ứng và liên kết vùng theo tinh thần của Luật hỗ trợ DNNVV.
Ngoài ra, hiệp hội đề xuất Chính phủ dành khoảng 30% các dự án đầu tư công cho DNNVV được tham gia. Và nếu kiến nghị này được chấp thuận thì rất mong NHNN sẽ tạo điều kiện, bao gồm lãi suất và đơn giản hóa thủ tục cho vay, để các DNNVV thực hiện tốt dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và phát triển kinh tế.
VINASME cũng kiến nghị NHNN tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo mật an toàn thông tin, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương điều hành trong mọi hoạt động về tiền tệ và ngân hàng, nhất là ngăn chặn tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, ép buộc người dân và doanh nghiệp tham gia các dịch vụ không liên quan.
"Ngành ngân hàng được coi là “dòng máu” của nền kinh tế và các doanh nghiệp được coi là những tế bào để duy trì và phát triển sự sống. Cộng đồng DNNVV hy vọng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và đồng hành ngày càng có hiệu quả với doanh nghiệp", Chủ tịch VINASME nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm