Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm

DNVN – Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, chỉ ra các điểm “nghẽn” cần tháo gỡ tại Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược tổ chức.

Sao Thái Dương có thêm bằng độc quyền sáng chế về chế phẩm điều trị bệnh do SARS-CoV-2 và cúm mùa / 3 dòng sản phẩm của Sao Thái Dương đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022

Quy mô, uy tín không thua kém các nước lân cận

Ông Gregory Charitonos – Giám đốc Công ty TNHH Medochemie Viễn Đông, đánh giá cao Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm để cùng nhau nhìn nhận, đánh giá và tìm hướng phát triển. Là doanh nghiệp dược châu Âu đầu tư tại Việt Nam với mục đích sản xuất và xuất khẩu, để sản phẩm tiếp cận với các nước tiên tiến, các tiêu chuẩn liên quan đến nhà xưởng, công nghệ là vấn đề then chốt.

Ông Gregory Charitonos – Giám đốc Công ty TNHH Medochemie Viễn Đông.

Ông Gregory Charitonos – Giám đốc Công ty TNHH Medochemie Viễn Đông.

Trong sản xuất, đặc biệt là ngành dược phẩm, việc chuyển giao công nghệ là rất quan trọng và cũng là quá trình đầu tư nên rất cần các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay để tạo động lực cho nhà đầu tư phối hợp với doanh nghiệp trong nước triển khai. Cần tách biệt giữa hoạt động chuyển giao công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời cũng nên tổ chức các đoàn đại biểu doanh nghiệp tham quan, học hỏi tại các quốc gia khác, qua đó thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam.

“Để phát triển xuất khẩu, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp cần sự kết nối với các đối tác chất lượng, để sản xuất đúng nhu cầu. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến thủ tục thông quan. Với những quy định, chính sách hỗ trợ rất tốt từ Bộ Y tế về ưu đãi đầu tư, phát triển công nghệ, chúng tôi tin rằng, mục tiêu tăng trưởng 10% kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới là rất khả quan”, Giám đốc Medochemie Viễn Đông chia sẻ.

ThS-DS. Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, chia sẻ tại diễn đàn.

ThS.DS Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, chia sẻ tại diễn đàn.

ThS.DS Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, cho biết, thành lập từ năm 2000, Sao Thái Dương bào chế các sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, với nguyên liệu thảo dược đặc sắc của Việt Nam, theo tiêu chuẩn quốc tế của Hoa Kỳ và châu Âu.

Năm 2017, Sao Thái Dương xuất khẩu sản phẩm Nature Queen sang thị trường Hoa Kỳ và Canada. Đây là dòng sản phẩm chăm sóc tóc và da cao cấp, được sản xuất từ các loại thảo dược và dầu tự nhiên của Việt Nam, không chứa các hóa chất độc hại, chất tạo màu hóa học, hương liệu tổng hợp và không chứa các thành phần biến đổi gen.

Nature Queen có mặt trên Amazon, chuỗi cửa hàng Macy và các hệ thống phân phối khác. Những tính năng vượt trội như làm sạch tóc, chăm sóc da đầu, phục hồi, chăm sóc tóc hư tổn, giảm rụng tóc, kích thích mọc tóc đã nhanh chóng chinh phục thị trường Bắc và có tên trong bình chọn Amazon’s Choice vào tháng 7/2018. Giữa năm 2019, Nature Queen tiếp tục lan toả sang thị trường châu Âu, tại các nước như: Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Romania và các nước Bắc Âu: Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan.

“Để tiếp cận thị trường quốc tế, không chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, doanh nghiệp và đối tác, doanh nghiệp Việt Nam còn cần có chiến lược phát triển thị trường dài hạn. Đây là thời gian cần thiết để doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, hoạch định những chiến lược theo từng giai đoạn. Đồng thời cũng cần sự kết nối, chung bước trên con đường phát triển thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương, chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Liễu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm

Bà Nguyễn Ngọc Liễu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.

Bà Nguyễn Ngọc Liễu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, cho rằng, ngành dược phẩm Việt Nam có quy mô và uy tín trên thị trường quốc tế không thua kém các nước lân cận và được khách hàng nước ngoài đánh giá cao. Đó là các tiêu chuẩn cần thiết để hội nhập quốc tế.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn về thủ tục hải quan, đặc biệt là giấy phép xuất khẩu. Do đó rất cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan để thông quan được thuận tiện. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chưa ổn định về vùng trồng, chất lượng, hàm lượng hoạt chất trong dược liệu. Nhập khẩu nguyên liệu (bao bì đóng gói) áp thuế cao, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, gây khó khăn trong cạnh tranh với thị trường quốc tế”, Phó Tổng giám đốc Stellapharm nêu kiến nghị.

Làm gì để vươn ra biển lớn

Theo PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước có quy mô khá lớn với 230 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (khoảng 20 nhà máy đạt EU-GMP) của khoảng 180 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã tham gia toàn diện trong chuỗi cung ứng trong nước và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trị giá xuất khẩu trong 10 năm vừa qua có sự tăng trưởng ổn định, nhưng trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng không cao.

PGS-TS. Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược.

PGS.TS Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dược liên quan đến xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm; các quy trình thao tác chuẩn (SOP) về xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm kết nối hải quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước xây dựng nhà máy và sản xuất thuốc tại Việt Nam trong chuyển giao công nghệ. Kiến nghị những chính sách trong điều chỉnh thuế, tỷ giá, chính sách hỗ trợ trong tín dụng đối với các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Đầu tư, phát triển công nghệ hiện đại theo xu hướng chung của thế giới về công nghệ sinh dược học. Hướng dẫn để các cơ sở đạt GMP EU, sớm tham gia PICs.

Đồng thời, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (15 FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh... hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

“Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đầu tư về kỹ thuật, nguồn lực để tạo ra các sản phẩm thực sự có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Thành lập bộ phận chuyên trách về thị trường nước ngoài, nghiên cứu cơ chế xuất khẩu và các hàng rào kỹ thuật bảo hộ. Đồng thời nghiên cứu phát triển thương mại điện tử”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Lê Việt Dũng, nhấn mạnh.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm